*Đây là bài viết mở đầu trong sê-ri Malaysia của chúng tôi. Bạn có thể xem các bài viết tiếp theo về Malaysia tại đây.
Malaysia là một điểm đến rất quen thuộc với người Việt tại Đông Nam Á, có lẽ chỉ sau Thái Lan và Singapore. Nổi tiếng với nền văn hóa độc đáo đa sắc tộc, những tòa nhà chọc trời, trung tâm thương mại vào hàng lớn nhất Đông Nam Á cũng như thế giới và giá cả cũng rất vừa phải, lại không phải xin visa – quả không có gì ngạc nhiên khi nhiều người lựa chọn nơi đây làm điểm đến cho những chuyến du lịch ngắn ngày.
Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót lớn nếu ta nghĩ với Malaysia chỉ cần vài ngày như thế là đủ. Trong chuyến đi gần đây nhất vào Noel & tết Dương lịch 2024, chúng tôi đã dành tận 2 tuần chỉ ở bờ Tây (Kuala Lumpur–Ipoh–Penang–Langkawi) mà lúc về vẫn còn cảm thấy thòm thèm. Vì khác với bao lần đi trước, chuyến này chúng tôi đề cao mục tiêu thưởng thức ẩm thực bản địa nhiều nhất có thể, cũng như khám phá những khu vực mang tính địa phương cao mà du khách Việt Nam ít biết tới.
Bởi vậy, bài viết này mới là phần đầu tiên của sê-ri Malaysia gồm nhiều phần của chúng tôi. Sê-ri này sẽ khác rất nhiều bài chia sẻ kinh nghiệm du lịch Malaysia khác, hi vọng sẽ được các bạn ủng hộ và theo dõi!
1. Tổng quan về đất nước Malaysia
Có thể nói Malaysia là một đất nước “quen mà lạ”. Nằm rất gần Việt Nam, với một thủ đô nằm trong top 10 thành phố được du khách quốc tế ghé thăm nhiều nhất trên thế giới, có lẽ không ít bạn đọc cũng giống chúng tôi là đã tới đây cả chục lần, đặc biệt nếu tính cả quá cảnh và công tác ngắn ngày.
Tuy thế, đa phần du khách nước ngoài mới chỉ biết tới một phía (phía Tây) của Malaysia, với những điểm du lịch chính như thủ đô Kuala Lumpur, cao nguyên Genting, phố cổ Malacca và George Town – Penang… Thực tế Malaysia rộng và phong phú hơn rất nhiều. Bên cạnh các giá trị lịch sử và văn hóa đa dạng, những tòa nhà chọc trời và các siêu TTTM, quốc gia này còn may mắn được trời phú cho cảnh quan tươi đẹp, với nhiều hệ sinh thái lâu đời thuộc danh mục bảo tồn UNESCO, rất hợp với những ai yêu thiên nhiên, dã ngoại và ưa mạo hiểm.
Địa lý
Với tổng diện tích tương đương nước ta (~331.000 km2), nhiều bạn đọc có thể chưa biết là đất nước Malaysia được tách làm 2 phía riêng biệt, chia cắt bởi Biển Đông:
- Phía Tây, gọi là Peninsula Malaysia hay Malaysia bán đảo (trong quá khứ là “Malaya”): là một phần của bán đảo Mã Lai, giáp với Thái Lan ở phía bắc, Singapore ở phía nam và Indonesia ở phía tây (qua eo biển Malacca). Khi nói tới Malaysia, đây là khu vực mà hầu hết thế giới chỉ nghĩ đến.
- Phía Đông, gọi là Borneo thuộc Malaysia: là khu vực hoang dã và ít được biết đến hơn nhiều. Borneo là hòn đảo lớn thứ 3 thế giới và lớn nhất tại châu Á, thuộc chủ quyền của tận 3 quốc gia: Indonesia (73%), Malaysia (26%) và Brunei – một trong những quốc gia nhỏ nhưng giàu nhất thế giới (1%).
- Đông Malaysia có dân số nhỏ hơn và kém phát triển hơn so với Tây Malaysia, nhưng diện tích lại lớn hơn và đặc biệt là có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt. Sự khác biệt giữa Tây và Đông Malaysia là khá đáng kể, từ địa lý cho tới pháp lý. Các bang tại Đông Malaysia có mức độ tự trị cao hơn, còn các bang tại Tây Malaysia có nhiều hạn chế về nhập cư hơn.
Những mốc lịch sử chính
- Malaysia từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha và Hà Lan (thế kỉ 16 -17), rồi tới Đế quốc Anh (cuối thế kỉ 18 – đầu thế kỉ 20)
- Trong Thế chiến thứ 2 trở thành thuộc địa Nhật (1941-1945), sau đó quay lại chịu sự kiểm soát của Anh cho tới năm 1957 giành được độc lập
- Tới 1963, 2 phía của Malaysia cùng với Singapore được thống nhất làm một, trở thành Liên bang Malaysia
- Tới 1965, Singapore bị trục xuất khỏi Liên bang, trở thành quốc gia độc lập.
Bởi thế, Malaysia ngày nay là sự pha trộn của rất nhiều nền văn hóa khác nhau: Mã Lai, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, châu Âu…
Một số thông tin khác
- Malaysia là một quốc gia đa chủng tộc và văn hóa, bởi vậy chính trị cũng rất phức tạp. Khoảng nửa dân số là người gốc Mã Lai (chi phối về chính trị và được ưu ái rất nhiều quyền lợi), tiếp đến là người gốc Hoa (chiếm 23%, tập trung nhiều tại Penang và Kuala Lumpur, tuy là thiểu số nhưng lại chi phối về kinh tế và thương mại), sau đó là người gốc Ấn (7%). Còn lại 20% là các chủng tộc khác, thổ dân bản địa và người nhập cư bất hợp pháp.
- Tiếng Malaysia là ngôn ngữ chính thức, sau đó tới tiếng Anh (còn được gọi là “Manglish” bởi sự lai tạp với trọng âm của người bản địa)
- Tôn giáo chính thức và phổ biến nhất, chiếm 75% tại Malaysia (tính tới 2023) là Hồi giáo Islam, người theo đạo Hồi được gọi là Muslim. Lưu ý quan trọng cần phân biệt rõ chủ nghĩa Hồi giáo chính thống này với Hồi giáo cực đoan (Islamism/ Islamist). Những người còn lại vẫn có quyền tự do tôn giáo. Đồng tính / LBGTQ+ bị coi là bất hợp pháp.
- Kinh tế: Theo số liệu 2023 mới nhất, Malaysia hiện đang đứng ngay sau nước ta ở vị trí thứ 16 châu Á (xét theo GDP danh nghĩa).
- Là một trong số ít 17 quốc gia trên thế giới có hệ sinh thái đa dạng vào hàng “siêu cấp” (megadiverse), với tận 20% tổng số loài động vật toàn cầu. Phần lớn diện tích Malaysia được bao phủ bởi các rừng mưa nhiệt đới (“tropical rainforest”), tuy nhiên ngày nay rất nhiều trong số này đang bị đe dọa bởi quá trình đô thị hóa cũng như các vấn đề chính trị.
2. Đi đâu, mùa nào là đẹp nhất?
Nằm rất gần xích đạo với khí hậu nhiệt đới gió mùa nên khí hậu tại Malaysia nóng ẩm quanh năm, mưa nhiều. Khái niệm “mùa đẹp nhất” khi đi du lịch Malaysia nên được hiểu là những tháng có lượng mưa thấp nhất.
Về cơ bản thì các mùa du lịch cao điểm là tháng 5-6, Giáng sinh – Tết dương lịch và tết Âm, khi người bản xứ có những kì nghỉ dài.
Tuy nhiên, do Malaysia được chia làm 2 phía riêng như đã nói ở trên với mùa mưa khác nhau, nên thời điểm đẹp nhất để tới 2 khu vực này cũng khác nhau:
- Tại Malaysia bán đảo: Tháng 4-10 đẹp nhất là phía bờ Đông (các bãi biển tại Kota Bharu, Kuantan, đảo Tioman/ Redang/ Perhentian…), còn từ tháng 12-tháng 3 đẹp nhất là phía bờ Tây (đảo Penang, Langkawi…)
- Tại đảo Borneo: đẹp nhất là từ tháng 3-10. Các điểm nổi tiếng tại đây gồm có 2 địa danh UNESCO là Công viên quốc gia Kinabalu (với ngọn núi Kinabalu 4000m cao nhất Đông Nam Á) và Vườn quốc gia Gunung Mulu. Ngoài ra còn có Kuching (thủ phủ bang Sarawak), đảo Lankayan, đảo Manukan…
Thủ đô Kuala Lumpur nằm ở khu vực đồi núi nên mưa khá nhiều và gần như không có mùa khô. Ít mưa nhất sẽ là tháng 5-8 rồi đến tháng 1-2. Mưa nhiều nhất thường là tháng 10-12. Tất nhiên đây chỉ là hướng dẫn chung, ví dụ như khi chúng tôi tới KL vào cuối tháng 12 – đầu tháng 1 thì có một số ngày nắng đẹp, một số ngày có mưa rào buổi chiều nhưng không quá lâu.
Một lưu ý quan trọng là Kuala Lumpur nằm rất gần đảo Sumatra (Indonesia) nơi thường xuyên xảy ra các vụ cháy rừng do người Indo dọn đất nông nghiệp, nên có thể bị ảnh hưởng ô nhiễm khói bụi trong khoảng hai tháng cao điểm 8-9.
Xem thêm: Đi đâu, xem gì tại Kuala Lumpur, Malaysia
3. Lịch trình 2 tuần gợi ý tại bờ Tây
Chúng tôi đã lựa chọn Malaysia làm điểm đến cho kì nghỉ Noel & tết Dương lịch. Như đã nói ở trên thì thời điểm này đẹp nhất là bờ phía Tây của Malaysia bán đảo, bởi vậy phần lớn lịch trình của chúng tôi là dành tại hai đảo Penang và Langkawi.
Đây là một mùa cao điểm du lịch nhưng đa phần là với du khách bản địa, bởi cuối tháng 12 người Malaysia có một kì nghỉ lễ dài. Theo quan sát của chúng tôi thì khách nước ngoài không quá đông, chủ yếu chỉ ở đảo Langkawi. Nếu chọn đi vào thời điểm này giống chúng tôi thì các bạn nên đặt các vé tàu xe sớm qua mạng để tránh tình trạng “cháy vé”.
Dưới đây là lịch trình của chúng tôi (Kuala Lumpur-Ipoh-Penang-Langkawi) để các bạn tham khảo. Chúng tôi đá rất ưng ý với chuyến đi này – nếu có thể điều chỉnh lại thì sẽ thêm 1 đêm tại Ipoh và Kuala Lumpur. Chúng tôi sẽ có những bài viết riêng về từng địa điểm này.
- Ngày 1 – ngày 3: Kuala Lumpur
- Ngày 3 – ngày 4: Ipoh – thành phố cổ nhỏ nhắn xinh xắn nổi tiếng là kinh đô ẩm thực đường phố Quảng Đông tại Malaysia. Nơi đây nằm rất gần Cao nguyên Cameron nổi tiếng, nếu muốn kết hợp thì bạn có thể dành thêm 2-3 ngày.
- Ngày 4 – ngày 8: Penang, được mệnh danh là kinh đô ẩm thực của toàn Malaysia, với thủ phủ là thành phố di sản UNESCO George Town.
- Ngày 8 – ngày 13: Langkawi – một trong những đảo du lịch nổi tiếng nhất của Malaysia với danh hiệu UNESCO “Công viên địa chất thế giới” (World Geopark),
- Ngày 13 – ngày 15: bay về Kuala Lumpur, ở lại chơi nốt 2 đêm rồi trở về Việt Nam
4. Các thông tin hữu ích chung
- Đường bay: Hiện tại từ TPHCM có 3 đường bay thẳng tới Kuala Lumpur, Penang và Johor Bahru, thời gian dao động khoảng 2 tiếng. Trong khi đó, từ Hà Nội và Đà Nẵng mới chỉ có đường bay thẳng tới Kuala Lumpur, khoảng 3 tiếng rưỡi. Malaysia là “sân nhà” của Airasia nên hãng HK giá rẻ này rất phổ biến tại đây đặc biệt là các chuyến bay nội địa, chất lượng khá tốt và tương đối đúng giờ.
- Cơ sở hạ tầng và hệ thống phương tiện công cộng tại phía Malaysia bán đảo khá tốt, có thể di chuyển dễ dàng giữa các thành phố lớn bằng máy bay, tàu hỏa hoặc xe buýt (riêng xe buýt cần chuẩn bị tiền xu nhỏ vì họ sẽ không thối lại). Trong khi đó phía Borneo thì kém phát triển hơn.
- Múi giờ tại Malaysia nhanh hơn Việt Nam 1 tiếng (giống Singapore).
- Đơn vị tiền tệ là Malaysian Ringgit (còn được gọi là đồng đôla Malaysia, viết tắt là RM/ mã tiền tệ là MYR), tỉ giá cuối 2023 mua tại Việt Nam là 1 MYR = 5.300 VND.
- Thẻ sim internet 4G: Chúng tôi mua của nhà mạng Digi với 30GB thời hạn 30 ngày qua Klook, giá 180.000đ (pick up tại sân bay KLIA2) và khá hài lòng. Nếu bạn ở ngắn ngày hơn thì cũng có một số lựa chọn nhà mạng khác, lưu ý lựa chọn điểm pick up là KLIA1 hay 2 để tiện nhất cho bạn (2 sân bay này gần nhau nhưng cũng mất khoảng 30 phút di chuyển).
- Ổ cắm điện ở Malaysia là nguồn 220V – 245V dạng ba chấu vuông (kiểu G), vì thế bạn cần mang theo phích cắm chuyển đổi quốc tế.
- Thời điểm đầu 2024 khi chúng tôi đi thì khâu hải quan (immigration) tại sân bay KL rất đông và lâu, cả chiều đi và chiều về, nên đặc biệt khi về các bạn nên ra sân bay sớm, ít nhất khoảng 2 tiếng rưỡi nếu muốn có thời gian dư dả để mua sắm hoặc lấy lại thuế VAT.
Sê-ri du lịch Malaysia phần 1 của chúng tôi xin được khép lại tại đây. Mời các bạn đón đọc bài viết tiếp theo về thành phố nổi tiếng nhất của nước bạn – thủ đô Kuala Lumpur!
XEM NHỮNG BÀI VIẾT KHÁC VỀ MALAYSIA
- Ẩm thực Malaysia và 9 món đặc trưng phải thử
- 8 món tráng miệng nổi tiếng nhất Malaysia
- Những nét văn hóa trà – cà phê nổi bật tại Malaysia
- Đi đâu, xem gì tại Kuala Lumpur, Malaysia
- Kinh nghiệm ăn uống tại Kuala Lumpur
- Top bar – club nổi tiếng nhất Kuala Lumpur
- Có gì hay tại Di sản UNESCO George Town – Penang?
- Du lịch Penang – Những điểm tham quan chính
- Ăn gì tại Penang P1: Ẩm thực Peranakan và những món phải thử
- Ăn gì tại Penang P2: Những địa chỉ ăn uống nổi tiếng nhất
- Top quán bar nổi tiếng nhất Penang, Malaysia
- Kinh nghiệm du lịch Langkawi – đảo UNESCO nổi tiếng
- Ăn gì tại Langkawi – Những địa chỉ nổi tiếng và đáng đi nhất
- Ipoh – “kinh đô ẩm thực đường phố Quảng Đông” của Malaysia
*Mọi hình ảnh và nội dung trong bài viết trên là bản quyền của Ẩm Thực Hiện Đại (trừ một số ảnh có ghi chú khác)