*Bài viết thuộc sê-ri du lịch Malaysia của chúng tôi. Bạn có thể xem các bài viết liên quan khác về Malaysia tại đây.
Ẩm thực Malaysia chính là tấm gương phản chiếu bản sắc đa chủng tộc của đất nước này. Đây là nơi ta có thể thấy được sự pha trộn của nhiều nền văn hóa: Mã Lai, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia (Java, Sumatra), Borneo và cả châu Âu. Nó cũng có nhiều nét rất giống ẩm thực Singapore và Brunei, cùng một số sự tương đồng với ẩm thực Phi-lip-pin.
Có một thực tế là ẩm thực Mã Lai rất khác với ẩm thực Việt nên không dễ ăn với đa phần người Việt Nam. Cá nhân tôi từng có thời gian học tập tại Singapore những năm cấp 3, và tôi vẫn nhớ như in là mình và bạn bè thường bỏ qua những quầy đồ ăn Mã Lai trong căng-tin trường và kí túc xá, bởi chúng luôn có cảm giác “khó ăn”.
Bây giờ khi đã trưởng thành, có điều kiện đi nhiều nơi cũng như tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, thì tôi mới nhận ra rằng ẩm thực Malaysia có rất nhiều cái hay và đa dạng mà trước đây mình chưa hiểu hết. Nếu không quan tâm tìm hiểu về nó và chỉ lướt qua thì sẽ thấy không hợp hoặc chán. Còn nếu ta giữ được một tư tưởng cởi mở, không ngại thử những thứ mới lạ và biết trân trọng những nền văn hóa khác biệt với mình, thì chúng tôi tin các bạn sẽ dần trở nên yêu ẩm thực của đất nước này giống chúng tôi!
Đặc trưng của ẩm thực Malaysia
Như chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết trước, ở Malaysia có ba chủng tộc chính: người Mã Lai, người Hoa và người Ấn Độ. Chính bởi điều đó mà Malaysia là một trong những quốc gia có nền ẩm thực đa dạng cùng nhiều phong cách đại diện của ẩm thực châu Á nhất, với sự kết hợp hài hòa giữa tất cả các hương vị và cách thức chế biến món ăn của các nền văn hóa này.
Tại đây không khó để tìm thấy những nhà hàng Trung Hoa có phục vụ cả món Mã Lai/ món Ấn, hay nhiều món tuy có nguồn gốc từ nền văn hóa này nhưng lại được nấu theo phong cách của nền văn hóa khác. Bởi thế có thể nói ẩm thực Malaysia có những bản sắc rất riêng, tưởng quen mà lạ. Không chỉ có vậy, giữa các vùng, các bang cũng có những khác biệt nhất định.
Ví dụ ở Kuala Lumpur – thành phố đông dân nhất Malaysia, nơi hội tụ người từ khắp nơi trên thế giới – ta sẽ bắt gặp đủ các phong cách ẩm thực khác nhau, văn hóa “ăn đêm” cũng hết sức phổ biến nên có rất nhiều nhà hàng (chủ yếu của người gốc Hoa hoặc gốc Ấn) mở tới tận đêm khuya. Trong khi đó tại bang Penang, nơi có cộng đồng Peranakan rất lớn – những thế hệ lai giữa những người di cư gốc Hoa (từ thế kỉ 15) với những người Mã Lai bản địa, lại có một nền ẩm thực Peranakan rất đặc trưng, nổi tiếng với phong cách chế biến kỳ công phức tạp.
Mắm tôm “belacan”, nước cốt dừa và nước tương đóng vai trò rất quan trọng tại đây, bên cạnh đó là các loại gia vị, rau thơm như ớt, xả, lá dứa, củ riềng, nghệ, hoa gừng (torch ginger)… Việc ăn bằng tay, nhất là với các món cơm, là văn hóa hết sức phổ biến dù với già trẻ hay nam nữ, thậm chí cả ở những nhà hàng sang trọng (chúng tôi đã tận mắt chứng kiến!). Nhắc tới đây thì cơm là thực phẩm quan trọng nhất, tiếp đến là mỳ rồi tới bánh mỳ.
Đạo Hồi là tôn giáo phổ biến nhất ở Malaysia, và người theo đạo Hồi không được phép uống rượu bia, ăn thịt heo cũng như nhiều loại thực phẩm khác. Những hàng quán dành cho khách đạo Hồi bắt buộc phải có tiêu chuẩn Halal – mọi khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm đều phải sử dụng trang thiết bị, dụng cụ đã được làm sạch theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của đạo Hồi.
Bởi thế nên các nhà hàng Trung Hoa tại đây nếu muốn có cả khách đạo Hồi thì phải có những chú thích rất rõ bên ngoài như “có chứng nhận Halal” hay “nhà hàng Hoa-Muslim”… Vào các nhà hàng này thì thực đơn đương nhiên sẽ không có thịt heo hay bia rượu, trừ ở một số khu vực đông du khách – ví dụ đảo Langkawi – nếu bạn hỏi có thể họ vẫn sẽ phục vụ bia nhưng sẽ mang ra cho bạn trong một chiếc ly kín đáo sẫm màu (không phải loại ly trong suốt). Ngược lại, những nhà hàng Hoa nào muốn thu hút khách không theo đạo Hồi, muốn ăn cả thịt heo thì sẽ ghi rõ bên ngoài cửa hàng là “có thịt heo”.
9 món ăn nổi bật nhất phải thử tại Malaysia
1. Nasi Lemak
“Nasi” trong tiếng Mã Lai có nghĩa là cơm nói chung, vậy nên cứ thấy món nào bắt đầu bằng từ này là ta hiểu đó là một món cơm kết hợp với các thành phần khác nhau.
Có rất nhiều phiên bản Nasi tại Malaysia, nổi tiếng nhất là Nasi Lemak. Được coi là món ăn “quốc hồn quốc túy”, ta có thể tìm thấy nó ở mọi nơi trên toàn nước này – từ những chợ đêm, hàng quán vỉa hè tới những nhà hàng sang trọng nhất. Nghĩa đen dịch ra là “cơm béo” – đó là bởi món cơm này được nấu từ gạo thơm với nước cốt dừa và lá dứa, mang lại một vị vừa béo ngậy vừa thanh, rất ngon và đặc trưng.
Các thành phần truyền thống ăn kèm với Nasi Lemak gồm có sambal (tương ớt tươi), ikan bilis (cá cơm chiên), lạc (đậu phộng) rang, trứng luộc và vài lát dưa chuột. Ngoài ra bạn cũng có thể thêm những món mặn khác tùy ý ví dụ gà chiên, cà-ri gà/bò, trứng chiên… Theo truyền thống, Nasi Lemak còn được lót một miếng lá chuối ở dưới để dậy mùi thơm thêm nữa, khiến cho món ăn này thực sự đáng nhớ kể cả với những người bình thường vốn không thích ăn cơm như chúng tôi.
Nasi Lemak là một món ăn sáng điển hình, nhưng cũng có thể được ăn vào bất kì thời điểm nào trong ngày. Có một điều thú vị là cái tên của nó khiến ta dễ lầm tưởng rằng với món này thì cơm là điểm nhấn. Thực ra không phải vậy – với người Malaysia thì “ngôi sao” thực sự của Nasi Lemak lại là món sambal đi kèm! Sambal Nasi Lemak có vị riêng khác với các loại sambal khác, và để được đánh giá là ngon thì phải có đủ các hương vị cay ngọt mặn cân bằng. Đây chính là bí quyết gia truyền của mỗi quán.
Ăn ở đâu?
Bất kì đâu tại Malaysia, dù là trên đường phố hay trong các nhà hàng. Chúng tôi sẽ đề cập một số địa chỉ nổi tiếng trong những bài viết riêng sắp tới về Ăn gì tại Kuala Lumpur và Penang.
Những phiên bản cơm Nasi nổi bật khác:
- Nasi bình dân mà người Malaysia ăn hàng ngày: Nasi Ayam (cơm gà), Nasi Campur (cơm trộn đa sắc), Nasi Kandar (phiên bản Penang của Nasi Campur, khác ở chỗ đồ ăn kèm thường thiên về cà-ri)…
- Nasi dành cho những dịp đặc biệt/ lễ hội: Nasi Dagang / Nasi Kerabu (đến từ 2 bang Kelantan and Terengganu, rất phổ biến tại phía Đông của Malaysia bán đảo), Nasi Briyani (đến từ Ấn Độ), Nasi Ambeng (đến từ cộng đồng Mã Lai gốc Java-Indonesia, chủ yếu ở các bang Johor, Selangor và Perak), Nasi Ulam (đến từ nền ẩm thực Nyonya, chủ yếu tại Penang đã nhắc tới ở đầu bài viết)…
Ăn ở đâu?
Congkat (Michelin Bib Gourmand) tại trung tâm Kuala Lumpur là quán rất nổi tiếng với món Nasi Ambeng.
2. Satay
Có nguồn gốc từ Indonesia, đây là một trong những món ăn vặt/ ăn nhẹ phổ biến nhất tại Malaysia ngày nay. Nó cũng có ở khắp nơi, từ các quầy bán đồ ăn vỉa hè cho tới các nhà hàng, quán bar.
Về cơ bản đây là những món xiên nướng được tẩm ướp rất ngon và đậm đà với nhiều loại gia vị, ăn kèm với nước sốt mặn ngọt từ đậu phộng, không cay hoặc ít cay nên rất dễ ăn. Khác với phiên bản Sate Padang của Indonesia thì Satay của Malaysia được phục vụ với sốt riêng, ta có thể chấm hoặc ăn không để thưởng thức rõ hương vị ngon, đậm đà, mọng nước của thịt. Đôi khi nó còn có cả cơm nắm đi kèm. Satay phổ biến nhất là với thịt gà, bò và cừu, ngoài ra cũng có thể là nội tạng, hải sản, đậu phụ hoặc các loại rau…
Ăn ở đâu?
Ngon nhất tại các khu ẩm thực đường phố và chợ đêm!
3. Laksa
Đây là món bún gạo nổi tiếng nhất của Malaysia, được làm từ sợi bún to như sợi bún bò Huế. Laksa có 2 phiên bản chính nổi tiếng nhất, ở mỗi phiên bản này lại có rất nhiều biến tấu khác nhau:
- Curry Laksa (riêng ở Penang được gọi là Curry Mee): có nước dùng đi kèm là cà-ri cay với nước cốt dừa, các loại nhân phổ biến đi kèm thường là hải sản, đậu phụ, tiết heo, giá đỗ…
- Assam Laksa – phiên bản laksa đến từ nền ẩm thực Nyonya của Penang đã nhắc tới ở đầu bài viết. Món này thực sự là một trải nghiệm “bùng nổ vị giác” với quá nhiều hương vị mạnh mẽ và đối lập, mà bằng một cách thần kì nào đó chúng lại kết hợp được với nhau một cách hết sức hài hoà: Ngoài nước dùng có vị chua đặc trưng đến từ me thì còn rất nhiều thành phần khác như mắm tôm, chanh, xả, gừng, riềng, ớt, bạc hà, dứa… Đây thực sự là một trong những món Malaysia ngon và ấn tượng nhất với chúng tôi, các bạn bắt buộc phải thử nhé đặc biệt nếu tới Penang!
Ăn ở đâu?
Laksalicious (Penang) có Assam Laksa rất ngon như hình dưới!
Những phiên bản lai
Ngoài ra còn một số phiên bản “lai” giữa 2 loại trên, dành cho những ai vừa thích vị ngậy béo của nước cốt dừa trong Curry Laksa, lại vừa thích vị chua thanh của me trong Assam Laksa. Đáng chú ý nhất là Sarawak laksa đến từ bang Sarawak (đảo Borneo).
Một số nhà hàng chuyên về Laksa – ví dụ Laksalicious tại Penang kể trên – cũng có nhiều phiên bản lai này nếu bạn muốn thử.
4. Ikan Bakar
Đây sẽ là một món khoái khẩu với những người thích ăn cá như chúng tôi! Trong tiếng Malay thì “ikan” nghĩa là cá còn “bakar” có nghĩa là nướng – “Ikan Bakar” là tên gọi chung của các món cá được tẩm ướp gia vị đậm đà rồi bọc lá chuối và nướng lên, có thể chấm thêm sốt ớt cay bên ngoài nếu muốn.
Một loại cá nướng rất đặc biệt và phổ biến ở Malaysia là cá đuối (“pari” trong tiếng Malay hay “stingray” trong tiếng Anh), thịt dai và chắc, dễ ăn bởi không có xương dăm, rất ngon và đáng thử! Ngoài cá, Ikan Bakar đôi khi cũng có thể là tên gọi chung cho các món nướng khác như mực nướng, tôm nướng…
Ăn ở đâu?
Nhà hàng Sai Woo tại Phố ẩm thực/ Chợ đêm Jalan Alor, Bukit Bintang, KL – nơi chúng tôi đã nhắc tới ở mục 2 về Satay bên trên cũng có món cá đuối nướng rất ngon trong hình dưới!
Ngoài ra bạn cũng sẽ có thể tìm thấy cá nướng nói chung ở nhiều quán ăn bình dân, khu ẩm thực và chợ đêm trên khắp nước này.
5. Roti Canai
Là món bánh mì dẹt nướng có nguồn gốc từ Ấn Độ, đây được coi là một món ăn sáng điển hình của người Malaysia nhưng nhiều nơi cũng vẫn bán cả ngày. Món này rất ngon khi ăn nóng, thường được phục vụ kèm với cà-ri, ngoài ra bạn có thể gọi thêm nhiều món mặn ăn kèm khác, dễ ăn nhất ví dụ như gà chiên (ayam goreng).
Ngoài phiên bản gốc thì còn có các loại Roti Canai có nhân như hành, trứng, phô-mai… – một dạng bánh trứng hành phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á khác ví dụ Đài Loan.
Ăn ở đâu?
Các chợ đêm hoặc nhà hàng, quán ăn đường phố của người Mã Lai gốc Ấn.
6. Rendang
Tạm dịch là cà-ri khô hay cà-ri cô đặc, đây là một món ăn rất được yêu thích khác tại Malaysia, có nguồn gốc từ bộ tộc Minangkabau ở Tây Sumatra – Indonesia. Với thành phần từ thịt, các loại gia vị chua cay và nước cốt dừa được nghiền lẫn và trộn đều, sau đó đun tới khi phần nước bay hơi gần hết, Rendang được nấu rất kì công và bởi thế vốn được coi là một món ăn dành cho các dịp đặc biệt như đám cưới hay lễ hội.
Phổ biến nhất là từ thịt bò nhưng cũng có thể được làm từ các loại thịt khác ví dụ gà, vịt/ ngỗng, cừu, dê hay cả trái mít, Rendang thường được ăn kèm với cơm trắng hoặc cơm nướng trong lá tre. Món này rất cay nên bạn phải là người ăn được cay thì mới thực sự “thẩm” được nó.
Ăn ở đâu?
Congkat (đã nhắc tới ở mục 1), hoặc những nhà hàng chuyên ẩm thực Nyonya/ Peranakan khác tại KL và Penang.
7. Các món mỳ xào/trộn/nước
Tương tự Việt Nam với bún phở miến, Malaysia cũng có vô vàn kiểu mỳ đa dạng, cực kì phổ biến tại các quán ăn đường phố và chợ đêm.
“Goreng” trong tiếng Mã Lai hay “Char” trong tiếng Phúc Kiến có nghĩa là chiên/ xào. Phong cách mỳ xào phổ biến tại Malaysia thường là với tương đen, tỏi, ớt cùng các loại thịt, hải sản, rau…, khá cay và hơi ngọt. Dưới đây là những dạng mỳ/ bánh gạo phổ biến nhất:
- Mee: mỳ vàng sợi nhỏ
- Koay Teow: mỳ trắng bản dẹt/ hủ tiếu
- Maggi: mỳ ăn liền của thương hiệu Maggi rất phổ biến tại Malaysia
- Bihun: miến trắng
- Koay Kak: bánh củ cải cắt miếng vuông (xuất xứ Triều Châu)
- Chee Cheong Fun: bánh cuốn cắt miếng nhỏ (xuất xứ Quảng Đông)
….
Những loại mỳ nước phổ biến
- Koay Teow Th’ng: “súp mỳ” koay teow rất thường gặp tại Penang với nước dùng trong, có vị hơi ngọt, thành phần thường có cá viên, các loại thịt, rau, hành lá, tỏi phi thơm…, có thể chấm thêm sốt giấm tương kèm ớt tươi (để riêng) để tăng hương vị.
- Koay Chap: xuất xứ Triều Châu, đặc trưng của món này là sợi mỳ “koay” – một kiểu mỳ sợi ngắn, to bản, có độ dai ăn rất hay. Nước dùng đi kèm có màu sẫm đặc trưng từ tương đen. Các loại nhân phổ biến nhất gồm có thịt vịt, vỏ đậu phụ chiên, cá viên, rau, trứng luộc ngâm tương, tiết heo, chân giò, tai… Cảm nhận của chúng tôi là món này rất ngậy béo nên dễ ngấy, gọi 1 tô hai người ăn chung là vừa.
8. Rojak/ Pasembur
Rất phổ biến trên đường phố hoặc trong các chợ đêm, Rojak hiểu nôm na là những món salad trộn chua cay mặn ngọt. Nó vừa có thể coi là một món tráng miệng, vừa là một món ăn vặt, ăn nhẹ phổ biến của người Malaysia có nguồn gốc từ Indonesia.
Rojak có nhiều phiên bản khác nhau, phổ biến nhất là Rojak Buah – salad “hoa quả dầm” được trộn từ các loại hoa quả, rau tươi như xoài xanh, táo xanh, cóc, dứa, roi (mận), củ đậu, dưa chuột… trong một loại sốt chua cay mặn ngọt từ đường, chanh, mắm tôm và ớt. Bên trên có rắc thêm lạc/đậu phộng nghiền để tăng thêm vị ngậy bùi.
Ăn ở đâu?
Các quầy hàng vỉa hè, chợ đêm… Rojak Buah cũng thường thấy ở các quán bán đồ tráng miệng, bên cạnh các món ngọt như chè.
Pasembur
Còn được gọi là Rojak Mamak hay Rojak Ấn Độ, đây là một phiên bản salad Rojak đáng chú ý và khác hẳn, thường gặp ở Penang.
Món này ở dưới là các loại rau thái sợi như dưa chuột, củ cải, giá đỗ. Bên trên có bánh tôm, mực viên, thanh cua, vỏ đậu phụ chiên, khoai luộc, trứng luộc…, sau đó rưới một loại sốt đặc, chua cay ngọt làm từ đậu phộng, khoai lang ngọt, ớt, me… lên trên. Tại Penang nhiều nơi bán Pasembur như một món ăn vặt, nhưng nó cũng thường đi kèm với món mỳ xào “Mamak Mee Goreng” của người Ấn như một dạng khai vị, bởi cả 2 đều dùng chung một loại sốt.
9. Lor Bak
Nói thật là tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều về vị trí cuối cùng này. Nếu liệt kê thêm nữa thì cũng rất dễ vì Malaysia còn quá nhiều món ăn ngon khác, nhưng nếu thế bài viết sẽ quá dài và lan man, dễ khiến bạn đọc bối rối. Nên tôi đã quyết định chốt lại bằng một món nổi tiếng của ẩm thực Nyonya khác mà cá nhân chúng tôi rất thích và thấy đáng thử, đó là Lor Bak.
Là một dạng chả giò/ nem rán có nguồn gốc từ Phúc Kiến và Triều Châu (Trung Quốc), thành phần của Lor Bak thường có thịt, hải sản, đậu phụ, rau…được tẩm ướp ngũ vị hương, cuộn trong một lớp vỏ là da đậu phụ mỏng sau đó chiên giòn, rất ngon! Món này được chấm kèm sốt ớt và sốt “loh” – một loại sốt hơi ngọt làm từ bột ngô và trứng.
Ăn ở đâu?
Các nhà hàng chuyên ẩm thực Nyonya tại Penang/ KL, ví dụ quán Laksalicious đã nhắc tới ở mục 3 bên trên có Lor Bak rất ngon!
Các thương hiệu chuỗi nổi tiếng
Dưới đây là một số thương hiệu franchise / chuỗi nhà hàng nổi bật tại Malaysia mà bạn sẽ bắt gặp khá nhiều trên khắp nước này, đặc biệt tại các TTTM lớn của những thành phố như Kuala Lumpur hay George Town – Penang…:
Thương hiệu giá bình dân
- Marrybrown: chuỗi đồ ăn nhanh của Malaysia, nổi tiếng với món cơm quốc dân đã nhắc tới ở trên – Nasi Lemak
- Ramly Burger: thương hiệu “hamburger đường phố” nổi tiếng đến từ Kuala Lumpur. Được tạo ra bởi Ramly Mokni vào năm 1979 – người sau đó sáng lập nên Ramly Food Processing Company – đặc trưng của Ramly Burger là việc sử dụng gia vị Maggi và nước sốt tiêu đen làm từ bơ, sữa, dầu hào, nước tương ngọt và tinh bột ngô, phần nhân thịt cũng thường đến từ công ty này. Cá nhân chúng tôi đã ăn thì chưa thấy quen lắm, nhưng vẫn đánh giá là khá thú vị và đáng thử bởi đây là một nét văn hóa ẩm thực đường phố “biểu tượng” đối với rất nhiều người Malaysia.
Thương hiệu giá trung bình
- Putien: Chuỗi nhà hàng ẩm thực Trung Hoa (đến từ Phủ Điền, Phúc Kiến) hiện có hơn 80 chi nhánh trên toàn châu Á. Cơ sở gốc tại Singapore là nhà hàng 1 sao Michelin, ngoài ra tại Hongkong có một chi nhánh là Michelin Bib Gourmand. Tại Malaysia, Putien cũng có hàng chục cơ sở rất đông khách. Chúng tôi đã có dịp thử tại Gurney Paragon, Penang và khá ưng ý về tổng quan chất lượng – giá cả – phục vụ.
- Madam Kwan’s
- Grandmama’s
- The Barn, Rock Bottom, Rockafellers, Gravybaby…: các gastropub kiểu Âu Mỹ
Mời các bạn, đặc biệt là những người thích đồ ngọt, đón đọc bài viết tiếp theo – Những món tráng miệng phải thử tại Malaysia nhé!
XEM NHỮNG BÀI VIẾT KHÁC VỀ MALAYSIA
- Lịch trình du lịch bờ Tây Malaysia: Kuala Lumpur-Ipoh-Penang-Langkawi
- Đi đâu, xem gì tại Kuala Lumpur, Malaysia
- Kinh nghiệm ăn uống tại Kuala Lumpur
- Top bar – club nổi tiếng nhất Kuala Lumpur
- 8 món tráng miệng nổi tiếng nhất Malaysia
- Những nét văn hóa trà – cà phê nổi bật tại Malaysia
- Có gì hay tại Di sản UNESCO George Town – Penang?
- Du lịch Penang – Những điểm tham quan chính
- Ăn gì tại Penang P1: Ẩm thực Peranakan và những món phải thử
- Ăn gì tại Penang P2: Những địa chỉ ăn uống nổi tiếng nhất
- Top quán bar nổi tiếng nhất Penang, Malaysia
2 Bình luận
Cám ơn Quỳnh Hương đã cho biết rất chi tiết về các món ăn đặc trưng của Malaysia! 👌❤️Lại có hình ảnh minh họa nữa. Cô nhất định sẽ thử vài tiệm mà cháu đã recommended.
Thank you so much for a detailed prescription of Malaysian specialties, illustrated by vivid pictures including a list of good restaurants!👌❤️ I definitely will try some during my coming trip to Kuala Lumpur & Penang in March 2024!
Dạ không có gì ạ! Cháu sẽ có những bài viết riêng về ăn uống tại từng thành phố KL-Penang-Ipoh-Langkawi nữa để cô tham khảo ạ!