Ngày 27/6 vừa qua, Cẩm nang Michelin Việt Nam 2024 đã được công bố tại Khách sạn InterContinental Saigon (chuẩn bị đổi tên thành JW Marriott Hotel & Suites Saigon) trước đông đảo khán giả. Đây là năm thứ 2 tổ chức này có mặt tại nước ta.
Danh sách đầu tiên – được công bố vào năm ngoái 2023 – đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận và chỉ trích, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Quan điểm của chúng tôi khi đó – từ góc nhìn của một người Pháp đã sống tại Việt Nam 17 năm và một người Việt từng sống nhiều năm tại nước ngoài – có lẽ là trung lập hơn một chút.
Xem lại bài viết: Cẩm nang Michelin Việt Nam 2023 từ góc nhìn của một người Pháp
Còn với phiên bản lần thứ 2 này, những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là:
- Hà Nội & TPHCM: Không có gì bất ngờ. Tất cả các nhà hàng một sao của năm đầu tiên vẫn giữ được vị trí. Những ngôi sao mới được trao một cách thận trọng.
- Đà Nẵng: Thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam được Michelin tiết lộ vào tháng 4/2024 là sẽ xuất hiện trong phiên bản lần 2, và kết quả là có tới tận 36 cái tên được công bố! Chúng tôi sẽ nói kĩ hơn về con số này ở mục dưới.
1. Các nhà hàng mới được gắn sao
Sao vốn là một trong những danh hiệu cao quý nhất dành cho các nhà hàng trên toàn thế giới, bởi vậy giới đam mê ẩm thực luôn kì vọng rằng Michelin chỉ trao chúng sau khi đã cân nhắc kĩ càng.
Năm nay chỉ có thêm 3 ngôi sao mới cho Việt Nam, nâng tổng số nhà hàng một sao tại nước ta lên con số 7. Vẫn chưa có địa điểm nào nhận được hai và ba sao.
Con số này có thể nói là khá khiêm tốn, nếu ta làm phép so sánh đơn giản với nước bạn Thái Lan: Cũng trong năm nay thì Thái hiện có tới 37 nhà hàng được gắn sao, trong đó có 7 địa điểm hai sao.
1.1. La Maison 1888 – đại diện của ẩm thực Pháp
Là những người Pháp, chúng tôi đã rất vui khi thấy kì này một nhà hàng Pháp tại Việt Nam đã được trao sao. Trong bài viết trước đây về Michelin 2023, chúng tôi đã đề cập đến ảnh hưởng của ẩm thực và các đầu bếp Pháp trong bức tranh ẩm thực Việt Nam đương đại, bởi vậy việc một nhà hàng Pháp được xướng tên trong hạng mục danh giá này là điều không có gì bất ngờ.
Tuy nhiên, đây lại là một nhà hàng chúng tôi chưa từng thử, nên không thể đưa ra bình luận về việc có xứng đáng hay không.
Thêm một ngôi sao nữa dành cho Sun Group…
Trước khi bàn đến việc La Maison 1888 có xứng đáng hay không, thì có một thực tế không thể phủ nhận: Lại có thêm một nhà hàng nữa có liên quan tới Sun Group – tập đoàn tài trợ đưa Michelin vào Việt Nam – được trao sao. Đây là một sự xung đột lợi ích trực tiếp ít nhiều cũng ảnh hưởng đến uy tín của Michelin.
Tuy nhiên, không thể chỉ vì điều đó mà chủ quan “phán” rằng La Maison 1888 không xứng đáng, nếu bạn chưa từng trực tiếp trải nghiệm. Nằm trong khuôn viên resort 5 sao InterContinental Đà Nẵng, đây vốn là một nhà hàng fine dining có tiếng tại Việt Nam trong nhiều năm qua, người đứng sau nó không ai khác chính là đầu bếp Pierre Gagnaire – một trong những cây đại thụ của ẩm thực Pháp với cả một “đế chế” bao phủ khắp thế giới, trong đó nổi bật là một nhà hàng 3 sao tại Paris và một nhà hàng 2 sao tại Tokyo.
1.2. Ẩm thực Trung Hoa và ẩm thực Âu sáng tạo được vinh danh
Hai ngôi sao mới còn lại đều được trao cho TPHCM, tới The Royal Pavilion (thuộc tòa nhà Times Square/ KS 5 sao The Reverie) và Akuna (thuộc KS 5 sao Le Méridien).
Nếu đã từng biết đến tiếng tăm của 2 nơi này thì bạn sẽ thấy không có gì bất ngờ:
- Akuna: Nhà hàng chuyên ẩm thực Âu sáng tạo mới mở giữa 2023, nhưng chef Sam Aisbett người Úc chính là người từng đứng sau Whitegrass – một nhà hàng vốn đã rất danh giá tại Singapore với một sao Michelin và có tên trong BXH 50 Nhà hàng tốt nhất châu Á (“Asia’s 50 Best Restaurants”). Anh cũng từng là học trò của một số đầu bếp cực kì tên tuổi – Peter Gilmore và Tetsuya Wakuda.
- The Royal Pavilion): vốn đã quen thuộc từ lâu trong giới trung lưu/thượng lưu Sài Gòn dưới cái tên Long Triều, nổi tiếng về ẩm thực Quảng Đông. Các bếp trưởng từng dẫn dắt nơi đây đều là những người có kinh nghiệm lâu năm, từng làm việc tại các địa điểm hàng đầu tại Hồng Kông (cả những nhà hàng sao Michelin). Với ảnh hưởng của ẩm thực miền Nam Trung Hoa tại TPHCM, cũng không có gì bất ngờ khi thấy đại diện tiêu biểu của họ được trao sao kì này.
1.3. Không có ngôi sao mới nào dành cho nhà hàng Việt
Ẩm thực Việt chính là phân khúc mà chúng tôi, cũng như rất nhiều độc giả, cảm thấy khá thất vọng với những lựa chọn sao của Michelin.
Không có thêm đại diện nào của ẩm thực Việt đương đại cao cấp
Với đà phát triển của xu thế ẩm thực Việt đương đại/ sáng tạo phân khúc fine dining trong hơn một năm trở lại đây, chúng tôi đã rất kì vọng, thậm chí cảm thấy gần như chắc chắn sẽ có thêm nhà hàng mới đại diện cho phong cách này nhận sao.
Một trong những ứng cử viên “nặng kí” theo cảm nhận của chúng tôi là Chapter Dining & Grill tại Hà Nội. Chúng tôi từng thử thực đơn 13 món “Trở Về” của họ vào tháng 2/2024, và đây là một trong những trải nghiệm ẩm thực Việt cao cấp tốt nhất của chúng tôi từ trước đến nay. Nếu kì này họ được trao sao thì chúng tôi sẽ không ngạc nhiên, tuy nhiên tiếc là họ vẫn đang chỉ dừng bước ở hạng mục Michelin Selected.
Bạn có thể đọc review chi tiết của chúng tôi về Chapter Dining & Grill tại đây.
Tầm Vị – vẫn là lựa chọn gây tranh cãi
Ở một khía cạnh đối lập, Tầm Vị – đại diện của trường phái “cơm nhà” – vẫn giữ được ngôi sao đã dành được từ năm ngoái.
Chúng tôi đã ăn ở đây từ trước, bản thân Loic cũng từng nhiều lần mời khách hàng tại đây, bởi đây là một lựa chọn an toàn và hợp lý dành cho người nước ngoài và du khách nói chung, xét trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên ở cấp độ “sao Michelin” thì hoàn toàn chưa tới.
Theo quan điểm của chúng tôi, sao Michelin chỉ nên được trao cho những trải nghiệm ở một tầm cao hẳn, không phải ẩm thực đường phố hay ẩm thực truyền thống thông thường.
Không chỉ có vậy, việc Tầm Vị không xuất hiện trong lễ trao giải kì này cũng đặt ra một dấu chấm hỏi đối với uy tín của Michelin.
Michelin đừng nên cố “nặn” ra sao “cho có”
Có thể nói, “trend” trao sao cho phân khúc ẩm thực bình dân của Michelin bắt đầu từ 2016 với 2 quán ăn đường phố tại Singapore, trong một nỗ lực làm mới hình ảnh khi đó vốn bị chỉ trích là đồng nghĩa với dòng ẩm thực cao cấp có phần “hợm hĩnh”. Đây là một hướng đi khá khôn ngoan, giúp Michelin trở nên gần gũi, dễ tiếp cận với số đông hơn và ngày càng nổi tiếng hơn.
Thế nhưng quyết định này không phải không có cái giá của nó. Những địa chỉ bình dân này sau khi đạt “sao” thì không thể tránh khỏi việc ngày càng trở nên đông đúc, kéo theo những hệ lụy tiềm năng như giá tăng, chất lượng đồ ăn/ dịch vụ giảm… Lượng khách bản địa ngày càng ít và du khách ngày càng nhiều, khiến chúng có nguy cơ trở thành những “bẫy du khách”. Một điển hình là Jay Fai tại Thái Lan – các bạn chỉ cần đọc lướt qua các đánh giá trên Google là có thể hình dung.
Chính bởi thế, cá nhân chúng tôi cảm thấy đây gần như là một “chiêu trò”. Nó làm thấp đi giá trị của những ngôi sao vốn từng được coi là uy tín nhất trong ngành, và khiến giới đam mê ẩm thực cảm thấy rất “khó hiểu” về những tiêu chí lựa chọn của ban thẩm định.
Tất nhiên là đáng khen cho Michelin khi họ có nỗ lực tôn vinh nhiều khía cạnh của một nền ẩm thực, nhưng sẽ hợp lý hơn nếu họ lập ra một hạng mục riêng dành cho phân khúc này, hoặc đơn giản là đưa chúng vào Bib Gourmand chẳng hạn – chúng tôi sẽ nói kĩ hơn về danh mục này ở phần sau.
1.4. “Ngôi sao xanh” đầu tiên
Một trong những điểm tích cực nhất của danh sách Michelin Việt Nam 2024 là sự xuất hiện của Ngôi sao xanh. Đây là một giải thưởng khá mới, được Michelin tạo ra trong vài năm gần đây nhằm tôn vinh các nhà hàng có nhiều nỗ lực đặc biệt để phát triển bền vững, từ quan điểm môi trường và xã hội.
Giải thưởng Ngôi sao xanh đầu tiên tại Việt Nam này được trao cho Nén Đà Nẵng, một nhà hàng chú trọng sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc địa phương, trong đó có nhiều nguyên liệu đến từ chính trang trại của họ.
Đây là một ý tưởng Michelin mà chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Cách chúng ta ăn uống có tác động rất lớn đến môi trường, nên mọi sáng kiến dù nhỏ đều là cần thiết. Đặc biệt là ở Việt Nam, khi những nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vẫn chưa thực sự được chú ý.
2. Michelin Selected và Bib Gourmand
2.1. Quá nhiều đề cử cho Đà Nẵng
Ngay khi vừa nhìn thấy 2 danh sách Michelin Selected và Bib Gourmand của Đà Nẵng, chúng tôi đã phải thốt lên “Nhiều vậy?!”. Có tận 36 cái tên, chiếm tới hơn 20% tổng số nhà hàng trong toàn danh sách Việt Nam, trong khi diện tích Đà Nẵng nhỏ hơn TPHCM đến gần chục lần.
Một người bạn nước ngoài sinh sống lâu năm tại Đà Nẵng của chúng tôi đã tóm gọn bằng một câu nói không thể chuẩn hơn: “Nếu mình là chủ nhà hàng ở đây mà không có tên trong này chắc là tức lắm, vì chỗ nào cũng thấy có mặt” 😀
Dù sao đây vẫn là một điều tích cực cho bức tranh ẩm thực cũng như ngành du lịch Đà Nẵng nói chung. Cá nhân chúng tôi không nhớ đã thử những địa chỉ Việt nào trong số này, nhưng có ấn tượng rất rõ về nhà hàng Pháp Le Comptoir, nơi chúng tôi từng đến vào thời điểm đầu Covid-19 khi việc đi lại trong nước vẫn chưa bị hạn chế.
Đó là một bữa tối hết sức ưng ý với món chính là cá ngon tuyệt. Họ hoàn toàn xứng đáng được Michelin nêu tên.
2.2. Có đến 36 địa chỉ mới tại Hà Nội & TPHCM, nhưng Sakal Phoeung vẫn biệt tăm?
Bên cạnh sự xuất hiện “hoành tráng” của Đà Nẵng thì có thêm 10 địa điểm đến từ Hà Nội và 26 địa điểm đến từ TPHCM góp mặt trong Cẩm nang lần 2 này.
Chúng tôi sẽ không đi sâu bình luận từng địa điểm, mà chỉ thấy là nhìn chung giữa 2 hạng mục này vẫn thiếu tính mạch lạc và logic mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết năm ngoái.
Về danh nghĩa như đã giải thích trong một bài viết trước, Michelin Selected đơn thuần là những nhà hàng có “thức ăn đạt tiêu chuẩn cao”, trong khi Bib Gourmand là nhà hàng có “chất lượng tuyệt vời ở mức giá phải chăng, kĩ thuật nấu ăn tuy đơn giản nhưng rất khéo léo”. Mấu chốt khác biệt ở đây là giá cả.
Nhưng đó là lý thuyết, còn trên thực tế thì ranh giới giữa 2 hạng mục này nhiều khi rất mơ hồ. Ví dụ cùng là ẩm thực đường phố (phở, bún chả…), giá tương đương nhau nhưng nơi thì là Selected, nơi thì Bib Gourmand… Không chỉ ở Việt Nam, chúng tôi đôi khi cũng có cảm nhận tương tự về rất nhiều danh sách Michelin Selected và Bib Gourmand tại nhiều nước khác.
Ngoài ra, rất đáng chú ý khi một lần nữa, một đầu bếp Pháp rất có tên tuổi và tầm ảnh hưởng tại Việt Nam – Sakal Phoeung – lại một lần nữa vắng mặt. Ông là bếp trưởng đứng sau 2 nhà hàng rất nổi tiếng tại TPHCM mà có lẽ không ai yêu mến ẩm thực Pháp không biết: Le Corto và P’ti Saigon.
Bản thân chúng tôi đã từng thử cả 2 và đặc biệt thích Le Corto – nơi từng đón tiếp cựu Tổng thống Pháp François Hollande. Việc danh sách Michelin Việt Nam có tới 13 nhà hàng Pháp mà không có Sakal Phoeung thực sự là rất khó hiểu.
2.3. Có cần bàn luận thêm về 2 hạng mục này nữa không?
Thực tế thì đã từ lâu, chúng tôi không còn quan tâm lắm đến việc phân định 2 hạng mục này.
Từ góc độ những người đam mê ẩm thực và thường xuyên xê dịch, chúng tôi coi Michelin Guide đơn giản là một trong nhiều nguồn tham khảo địa chỉ ăn uống tại các thành phố mới.
Với đa phần du khách, có thể nói đây là một danh sách “an toàn”, về cơ bản là uy tín. Ở một số quốc gia (ví dụ Pháp…) thì có thể uy tín hơn so với nhiều nước khác, nhưng tựu chung cho dù ở đâu thì cùng lắm có thể không xuất sắc nhưng cũng sẽ không đến nỗi tệ. Riêng Bib Gourmand ở châu Âu, đặc biệt là Pháp, thường là hạng mục rất tuyệt để trải nghiệm phân khúc từ trung tới cao cấp với mức giá rất hời (20-30 euro/người) nếu bạn lựa chọn ăn trưa.
Quan trọng nhất: Bạn cần so sánh, đối chiếu với nhiều nguồn khác (đánh giá Google mới nhất, các blog, MXH…) chứ không nên chỉ hoàn toàn “đi theo” Michelin.
Có điều, hiện giờ Michelin đang tự PR bản thân theo hướng là chỉ cần có mặt trong đây, dù ở hạng mục nào, cũng đều được coi là một thành tựu to lớn, đi kèm với một “tấm bằng” uy tín.
Và cách đây vài tháng, họ lại vừa cho ra mắt một hạng mục trao giải mới với tên gọi “Những chiếc chìa khóa” (“The Keys”) dành cho các khách sạn…
3. Tổng kết hai năm, và vẫn sẽ tiếp tục…
Đọc qua bài này thì có thể bạn sẽ nghĩ là chúng tôi có cái nhìn tiêu cực về Michelin Việt Nam, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Chúng tôi vẫn coi sự hiện diện của họ tại nước ta là một điều tích cực:
- Nó đã làm dấy lên rất nhiều cuộc tranh luận sôi nổi – bản thân đây đã là một thành công. Có câu nói nổi tiếng “Không có chiêu PR nào là tệ cả” – phải chăng đây cũng là một chủ đích của Michelin? 🙂
- Các ngôi sao (và cả những hạng mục còn lại) đang giúp thu hút một tệp du khách mới tới Việt Nam, những người sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn mức trung bình của khách du lịch bụi.
- Ẩm thực Việt trước đây, cả trong con mắt người Việt và người nước ngoài, vốn bị bó hẹp trong phân khúc bình dân và trung cấp. Michelin đã góp phần không nhỏ tạo động lực cho các đầu bếp nâng ẩm thực Việt lên một tầm cao hơn.
Chúng ta hãy cùng tiếp tục chờ đợi và bàn luận về kết quả của năm sau nhé!
Xem thêm: Tất cả những gì cần biết về Cẩm nang Michelin