*Bài viết không chứa spoiler liên quan đến nội dung phim
Vừa trở về từ rạp sau bộ phim “A Haunting in Venice”, cảm xúc còn đang bồi hồi, tôi bèn tranh thủ viết nên vài dòng tản mạn.
Ngoài những niềm đam mê chính là ẩm thực và du lịch, Ẩm Thực Hiện Đại còn rất nhiều đam mê khác: Mê sách, mê phim, mê nhạc, mê tranh… tóm lại là bất kì cái gì liên quan đến văn hóa, nghệ thuật. Bởi thế khi quyết định lập nên website này, mong muốn đầu tiên của chúng tôi là được chia sẻ và lan tỏa những niềm đam mê ấy tới tất cả bạn đọc.
Có thể nói, “A Haunting in Venice” là một bộ phim mà chúng tôi đi xem với tâm thế ban đầu không kỳ vọng mấy, mục đích chính chỉ là để được ngắm lại Venice – thành phố đẹp như mơ mà chúng tôi vừa có dịp ghé qua cách đây vài tháng mà thôi. Nhưng không ngờ phim lại hay vượt quá mong đợi.
Những ai là fan của thể loại truyện trinh thám chắc hẳn không thể không biết tới “Nữ hoàng” Agatha Christie – tiểu thuyết gia bán chạy nhất mọi thời đại. Lượng sách của bà cho tới nay đã vượt cả Sir Conan Doyle – tác giả lừng lẫy của loạt truyện Sherlock Holmes, chỉ đứng sau mỗi Kinh thánh Bible và kho tàng đồ sộ của William Shakespeare. Rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của bà đã được chuyển thể thành phim như “And Then There Were None”, “Death on the Nile”, “Murder on the Orient Express” …
Không chỉ có vậy, Dame Christie cũng vốn được mệnh danh là “mẹ đẻ” của thể loại “cozy mystery” – dạng truyện trinh thám có nội dung tương đối nhẹ nhàng, cái kết thường có hậu, các chi tiết bạo lực hay 18+ gần như không có (nếu có cũng chỉ là hàm ý chứ không mô tả cụ thể). Cá nhân tôi tuy chủ yếu đọc non-fiction nhưng truyện của bà đôi khi vẫn là những “guilty pleasure”, bởi chúng vừa hài hước, vừa hồi hộp gay cấn, vừa dễ đọc và luôn mang lại cảm giác ấm áp đúng nghĩa “cozy”.
Quay trở lại với “A Haunting in Venice” – một bộ phim của đạo diễn/diễn viên chính người Anh Kenneth Branagh. Phim vốn được coi là lấy cảm hứng từ tác phẩm “Hallowe’en Party” của Dame Christie nhưng thực chất thì nội dung gần như khác hoàn toàn. Khách quan mà nói thì kịch bản phim có vẻ còn hay hơn truyện, bởi Hallowe’en Party không phải là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của Dame Christie. Phim chỉ giữ lại một vài yếu tố như tên của các nhân vật (mặc dù nhân vật có thể khác hẳn), hay danh tính của kẻ ác được tiết lộ ở phút cuối cùng…
Cảnh quay, âm thanh, ánh sáng… của phim thì quá đẹp không thể chê gì. Tôi đã không khỏi bồi hồi khi được ngắm lại những biểu tượng đẹp nhất của Venice như Quảng trường – Vương cung Thánh đường St. Mark, Nhà thờ Santa Maria dei Miracoli, kênh Rio del Malpaga thuộc quận Dorsoduro ngay gần airbnb nơi chúng tôi từng trọ… Cảm giác thân thương đến lạ. Shot cuối cùng của phim có lẽ sẽ còn đọng lại rất lâu trong kí ức của tôi.
Mặt khác, phim cũng đã cho người xem thấy được một khía cạnh khác hẳn của Venice – một Venice thường nhật, thậm chí có phần “thô ráp” của dân bản địa và người lao động, chứ không phải Venice hào nhoáng bóng bẩy của khách du lịch mà ta thường thấy ngày nay. Một Venice có gì đó ma mị và ám ảnh. Hãy nhớ rằng bối cảnh của phim là năm 1947, khi thế giới vừa trải qua Thế chiến thứ 2. Venice khi đó đã may mắn một cách diệu kì và không phải hứng chịu tác động của bom đạn, nên đã trở thành nơi trú ẩn của rất nhiều người di cư, tị nạn.
Nếu có thể, bạn hãy đến Venice một lần vào mùa thấp điểm và ở lại đảo chính ít nhất một đêm. Venice về đêm như được khoác lên một tấm áo khác hẳn. Bí ẩn và tĩnh lặng. Khi những đoàn tour, những cruise ship đông đúc trong ngày lần lượt rời đi, những lao động địa phương cũng dần trở về đất liền – nơi có mức sống tiện lợi và bớt đắt đỏ hơn nhiều, bạn sẽ gần như có được “bảo tàng ngoài trời” đẹp nhất châu Âu này cho riêng mình. Cảm giác được len lỏi một mình trong từng ngõ ngách lịch sử ấy – nó thú vị không thể tả xiết.
Khi ấy, hãy bước chậm lại, nhắm mắt và tưởng tượng về một Venice của thời hoàng kim – biểu tượng của sự xa hoa, chốn ăn chơi bậc nhất của giới quý tộc, của những chàng Casanova với chiếc mặt nạ volto và những bữa tiệc xa xỉ. Như người xưa từng nói: “What happens in Venice stays in Venice”…