Trong số báo đặc biệt tổng kết những cái “nhất” của năm 2022 do tạp chí uy tín của Mỹ The New York Times công bố, một món ăn do đầu bếp gốc Việt sáng chế đã vinh dự đứng đầu danh sách “Những công thức chế biến được tìm kiếm nhiều nhất”.
Có thể bạn sẽ tò mò muốn biết món gì của Việt Nam mà lại được các bạn Mỹ yêu thích đến vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Lịch sử 50 năm của món mỳ sốt tỏi đặc biệt
Khó có thể nói ai là người đầu tiên nghĩ ra việc kết hợp mỳ và tỏi với nhau, bởi ta có thể tìm thấy sự kết hợp “ma thuật” này trong rất nhiều món ăn đặc trưng của nhiều quốc gia trên thế giới – từ Spaghetti aglio e olio của Ý cho đến mỳ tương đen của Trung Quốc. Tuy nhiên, những fan cứng của món mỳ sốt tỏi nổi tiếng vùng San Francisco Bay Area tại Mỹ đa phần đều nhất trí là phiên bản này có nguồn gốc từ Thanh Long – một trong những nhà hàng Việt Nam đầu tiên tại đây. Đầu bếp Helene An là người đã sáng tạo ra và đưa món này vào thực đơn từ những năm cuối thập kỉ 70, sau khi gia đình bà di tản sang Mỹ.
Theo lời kể của cô con gái Monique An, bà Helene đã nghĩ ra món này vào khoảng năm 1978, sau khi thấy được sự đam mê mỳ Ý của thực khách Mỹ, đặc biệt là “mỳ Ý trộn đẫm sốt kem và bơ”. Từ đó, bà đã biến tấu ra một công thức tốt cho sức khỏe hơn (nhờ một số thành phần bổ sung như tỏi), đồng thời lấy cảm hứng từ cội nguồn văn hóa Việt của mình. Vậy là món mỳ sốt tỏi đặc biệt này ra đời, và dần nó đã trở thành một trong những món ăn nổi tiếng và được yêu thích nhất tại San Francisco Bay Area.
Ngày nay tại đây, món ăn này đã trở nên phổ biến đến nỗi ta có thể tìm thấy nó ở bất cứ đâu, từ những quầy bán đồ ăn di động của người Philippin hay trong một nhà hàng Myanmar. Ở Bay Area, không chỉ cộng đồng châu Á mà cả cộng đồng người Latin hay Mỹ gốc Phi cũng yêu thích mỳ sốt tỏi. Có lẽ bởi nó không chỉ ngon, mà nhìn rộng ra trên khía cạnh văn hóa, lịch sử, nó còn tượng trưng cho những nền văn hóa nhập cư, những con người đã đầy nghị lực vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để gặt hái thành công trên con đường chinh phục “giấc mơ Mỹ”.
Tất nhiên, mỗi nhà hàng ở đây lại có những công thức mỳ sốt tỏi khác nhau. Công thức riêng của Thanh Long được gia đình bà An giữ kín tới mức chỉ người trong nhà được phép chế biến món này (cũng như một số món đặc biệt khác trong thực đơn ví dụ cua nướng), trong một bếp kín riêng nằm bên trong khu bếp tổng. Ngay cả trong cuốn cẩm nang dạy nấu ăn “Ăn: To eat” mà bà Helene là đồng tác giả xuất bản năm 2016, thì bí mật này cũng không được tiết lộ.
Dưới đây là công thức dựa trên cuốn sách “The Wok: Recipes and Techniques” của J. Kenji López-Alt, đồng thời cũng là công thức nổi bật nhất năm 2022 với hơn 1,2 triệu lượt view theo thời báo The New York Times.
Cách chế biến món mỳ sốt tỏi kiểu Việt nổi tiếng tại Mỹ
Thành phần
- 4 thìa bơ to (bơ lạt)
- 20 nhánh tỏi cỡ vừa, dập nhuyễn
- 4 thìa cà phê dầu hào
- 2 thìa cà phê nước tương
- 2 thìa cà phê nước mắm
- 500 g mỳ spaghetti (mỳ khô)
- 30 g phô mai Parmesan/ Pecorino Romano bào vụn
- 1 nắm hành lá thái nhỏ (không bắt buộc)
Hướng dẫn
- Bật bếp chế độ vừa, đun chảy bơ trong chảo. Cho tỏi vào đảo đều khoảng 2 phút cho đến khi bắt đầu có mùi thơm. Cho dầu hào, nước tương và nước mắm vào, tiếp tục đảo rồi nhấc chảo ra khỏi bếp.
- Đun nước và nấu mỳ, lưu ý cho nước đủ để ngập mỳ. Thỉnh thoảng đảo đều để mỳ không bị vón. Nấu cho tới khi mỳ gần đạt mức al dente (chín tới), tầm ít hơn 2 phút so với hướng dẫn trên bao bì.
- Dùng kẹp gắp mỳ sang chảo chứa sốt, giữ lại phần nước luộc còn lại trong nồi. Tăng bếp lên nhiệt độ cao, cho phô mai vào, dùng thìa gỗ đảo thật nhanh cho đến khi nước sốt sánh lại như kem trong khoảng 30 giây. Đảo thêm một lúc nữa nếu thấy sốt trông vẫn còn lỏng, còn nếu đặc quá thì ta cho thêm một ít nước luộc mỳ nữa vào.
- Cho hành lá thái nhỏ vào đảo qua. Tắt bếp, múc ra đĩa và thưởng thức.
Nếu muốn món ăn này trở nên ngon và thú vị hơn nữa, ta có thể cho thêm hải sản ví dụ tôm, cua… cũng sẽ rất hợp.
Chúc các bạn ngon miệng!