Năm 2023 chứng kiến phiên bản Michelin Guide đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, tạm thời giới hạn trong phạm vi hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Sự xuất hiện này nhìn chung có tác động tích cực cho bức tranh ẩm thực tại đây, mặc dù cũng gây ra khá nhiều phản ứng khi kết quả được công bố.
Trong bài viết dưới đây, bạn sẽ tìm thấy danh sách những nhà hàng đạt giải trong từng hạng mục (kèm theo liên kết tới các bài review chi tiết của chúng tôi nếu có). Tôi cũng sẽ đưa ra quan điểm chi tiết của cá nhân mình về kết quả này, với tư cách là một người Pháp sống ở Việt Nam đã hơn 15 năm.
*Cập nhật:
- Chúng tôi đã có thêm bài phân tích mới về kết quả Michelin Việt Nam năm thứ 2 (được công bố vào T6/2024) tại link sau: Michelin Việt Nam 2024 – Những gì được và chưa được?
- Nếu bạn chưa rõ Cẩm nang Michelin là gì và các tiêu chí đánh giá của họ như thế nào, xin mời đọc bài viết này: Tất cả những gì cần biết về Cẩm nang Michelin
1. Danh sách Michelin 2023 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Những nhà hàng đạt sao
Trong số 103 nhà hàng có tên trong Cẩm nang Michelin Việt Nam 2023, có 3 nhà hàng ở Hà Nội & 1 nhà hàng ở TPHCM được trao 1 Sao Michelin:
- Anan Saigon (TPHCM)
- Gia Restaurant (HN)
- Hibana by Koki (HN)
- Tầm Vị (HN)
Chưa có nhà hàng nào được trao 2 hoặc 3 sao Michelin kỳ này.
Hạng mục Bib Gourmand
Đây là hạng mục dành cho những nhà hàng “có chất lượng tuyệt vời ở mức giá phải chăng, kĩ thuật nấu ăn tuy đơn giản nhưng rất khéo léo”.
Danh sách Bib Gourmand đầy đủ (13 tại HN + 16 tại TPHCM)
Tại Hà Nội:
- 1946 Cửa Bắc – Vietnamese
- Bun Cha Ta (Nguyen Huu Huan Street) – Noodles
- Chả Cá Thăng Long – Vietnamese
- Chào Bạn – Vietnamese
- Don Duck Old Quarter – Vietnamese
- Habakuk – European Contemporary
- Phở 10 Lý Quốc Sư – Noodles
- Phở Bò Ấu Triệu – Street Food
- Phở Gà Nguyệt – Street Food
- Phở Gia Truyền – Street food
- The East – Vietnamese
- Tuyết Bún Chả 34 – Street Food
- Xới Cơm – Vietnamese
Tại TPHCM:
- Bếp Mẹ ỉn (Le Thanh Ton) – Vietnamese
- Chay Garden – Vegetarian
- Cơm Tấm Ba Ghiền – Street Food
- Cuc Gach Quan – Vietnamese
- Dim Tu Tac (Dong Du) – Cantonese
- Hồng Phát (District 3) – Noodles
- Hum Garden – Vegetarian
- Phở Chào – Noodles
- Phở Hoà Pasteur – Noodles
- Phở Hoàng – Noodles
- Phở Hương Bình – Noodles
- Phở Lệ (District 5) – Noodles
- Phở Miến Gà Kỳ Đồng – Street Food
- Phở Minh – Noodles
- Phở Phượng – Street Food
- Xôi Bát – Vietnamese
Hạng mục Michelin Selected
Ngoài ra, có 70 nhà hàng khác (32 tại Hà Nội và 38 tại TPHCM) cũng được xướng tên trong Cẩm nang Michelin tuy không đạt giải nào cụ thể – đây được gọi là các nhà hàng “được Michelin lựa chọn” (“Michelin selected”).
Danh sách Michelin Selected đầy đủ (32 tại HN + 16 tại TPHCM)
Tại Hà Nội:
- A Bản Mountain Dew – Vietnamese
- Akira Back – Japanese
- Azabu – Japanese
- Backstage – Vietnamese Contemporary
- Bánh Cuốn Bà Xuân – Street Food
- Bếp Prime – Vietnamese
- Bún Chả Đắc Kim – Street Food
- Bún Chả Hương Liên – Street Food
- Cau Go – Vietnamese
- Chả Cá Anh Vũ – Vietnamese
- Chapter Dining & Grill – Vietnamese Contemporary
- Cồ Đàm – Vegetarian
- Duong’s – Vietnamese
- El Gaucho – Steakhouse
- Etēsia – European Contemporary
- French Grill – French Contemporary
- Hemispheres Steak and Seafood Grill – Steakhouse
- Highway4 (Hang Tre Street) – Vietnamese
- Izakaya by Koki – Japanese
- Khói – Barbecue
- La Badiane – Fusion
- Labri – European Contemporary
- Le Goût de Gia – European Contemporary
- Ngon Garden – Vietnamese
- Ốc Di Tú – Seafood
- Ốc Vi Saigon – Seafood
- Phở Gà Cham (Yen Ninh Street) – Noodles
- Phở Tiến – Noodles
- Quán Ăn Ngon – Vietnamese
- Senté (Nguyen Quang Bich Street) – Vietnamese
- T.U.N.G. dining – European Contemporary
- Tanh Tách – Seafood
Tại TPHCM
- 3G Trois Gourmands – French
- Å by T.U.N.G – European Contemporary
- An’s Saigon – Innovative
- Bà Cô Lốc Cốc – Seafood
- Bếp Nhà Xứ Quảng – Vietnamese
- Bờm – Vietnamese Contemporary
- Bún Thịt Nướng Hoàng Văn – Street Food
- Cô Liêng – Street Food
- Coco Dining – Innovative
- Da Vittorio – Italian (đã đóng cửa đầu 2024)
- Đông Phố – Vietnamese
- Elgin – European
- Esta – Asian Contemporary
- Fashionista Café – European Contemporary
- Hervé Dining Room – French Contemporary
- Hoa Tuc – Vietnamese
- La Villa – French
- Lai – Cantonese
- Lửa – Japanese
- Madame Lam – Vietnamese
- Nén Light – Contemporary
- Nous – Innovative
- Ốc Đào – Seafood
- Octo – Spanish
- Okra FoodBar – European
- Olivia – European Contemporary
- Phở Hùng – Noodles
- Phở Việt Nam (District 1) – Noodles
- Quince Eatery – Mediterranean Cuisine
- Rice Field – Vietnamese
- Sol Kitchen & Bar – Latin American
- Square One – International
- Stoker (District 1) – Steakhouse
- The Monkey Gallery Dining – European Contemporary
- The Royal Pavilion – Cantonese
- Tre Dining – Vietnamese Contemporary
- Truffle – French Contemporary
- Vietnam House – Vietnamese
*Nguồn: Công bố chính thức của Michelin
2. Góc nhìn
Là một người Pháp đã sinh sống tại Việt Nam hơn 15 năm qua, luôn đam mê và quan tâm dõi theo những thay đổi và phát triển của nền ẩm thực tại đây, tôi đã rất háo hức mong chờ ngày Cẩm nang Michelin có mặt.
Mặc dù cũng đã mường tượng được rằng kết quả công bố sẽ gây ra nhiều sóng gió trên mạng xã hội (như mọi bảng xếp hạng uy tín khác), nhưng tôi đã không nghĩ rằng sẽ có nhiều lời chỉ trích như vậy, đặc biệt là từ phía người dân bản địa.
Tôi sẽ chia sẻ quan điểm của mình ở dưới.
Chúc mừng các nhà hàng và đầu bếp đoạt giải
Trước tiên, xin được gửi lời chúc mừng chân thành đến tất cả các nhà hàng và đầu bếp đã được vinh danh trong buổi lễ.
Cho dù có nhiều quan điểm không đồng tình với kết quả chung cuộc, nhưng chúng ta không nên bỏ qua một thực tế là tất cả những người trong ngành đều đã hết sức nỗ lực. Không ai tham gia vào lĩnh vực nhà hàng để mong kiếm tiền một cách nhanh chóng cả. Chắc chắn là tất cả những người lên nhận giải đều đã phải cố gắng rất nhiều, bởi vậy kết quả này là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng dành cho họ.
Tín hiệu tích cực cho bức tranh ẩm thực Việt Nam nói chung
Tôi cũng tin rằng về tổng thể, sự hiện diện của Cẩm nang Michelin tại đây sẽ mang lại tác động tích cực cho Việt Nam.
Trước nay khách du lịch nước ngoài vẫn luôn khen ngợi đồ ăn Việt, nhưng họ thường mới chỉ biết đến một vài món ăn đường phố mang tính biểu tượng như phở, bún chả hay bánh mỳ. Sự có mặt của Cẩm nang Michelin sẽ là tín hiệu cho du khách biết rằng họ còn có thể có được nhiều trải nghiệm ẩm thực đa dạng khác, bao gồm cả phân khúc cao cấp. Nói cách khác, đây là một cách khuyến khích khách du lịch chi tiêu nhiều hơn cho những trải nghiệm ẩm thực chất lượng cao.
Đất nước láng giềng Thái Lan hiểu rất rõ điều này, vì chính Tổng cục Du lịch Thái Lan đã tài trợ để Michelin Guide tới đây lần đầu tiên năm 2017, với kỳ vọng là chi tiêu của khách du lịch tính trung bình trên đầu người sẽ tăng 10%.
Tôi cũng có cảm giác rằng người dân bản địa đa phần vẫn còn tâm lý khá ngần ngại khi phải trả mức giá cao khi ăn đồ ăn Việt, trong khi họ ít dè dặt hơn về giá tiền khi tới một nhà hàng bít tết ngoại chẳng hạn. Sự hiện diện của Cẩm nang Michelin có thể sẽ dần giúp thay đổi nhận thức đó. Bởi để nâng tầm ẩm thực Việt lên một mức cao hơn – với sự kết hợp của các nguyên liệu chất lượng, sự sáng tạo đột phá, phong cách trình bày cũng như dịch vụ chuyên nghiệp hơn – chỉ có thể đạt được nếu ngày càng có nhiều người Việt sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để trải nghiệm ẩm thực Việt cao cấp. Yếu tố này có tác động không hề nhỏ, bởi tôi tin người dân bản địa mới là nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nền ẩm thực tại một quốc gia, chứ không phải khách du lịch.
Chúng ta có thể hy vọng rằng thành công của những nhà hàng như Gia và Anan Saigon trong việc giành được ngôi sao Michelin đầu tiên (đồng nghĩa với việc doanh thu sẽ tăng) sẽ là động lực khuyến khích các đầu bếp và chủ nhà hàng Việt Nam khác vượt qua giới hạn hiện tại và tiếp tục nâng tầm món ăn của mình lên mức cao hơn nữa.
Một số cáo buộc ngầm
Tôi muốn đề cập đến một số ẩn ý về tính trung thực của giải thưởng mà tôi đã thấy xuất hiện trên mạng xã hội. Đúng là Sun Group đã tài trợ cho các chuyên gia của Michelin tới Việt Nam, và có sự xung đột lợi ích rõ ràng khi họ đồng thời cũng sở hữu một số nhà hàng. Tuy nhiên, ngoài những thực tế công khai này thì những thông tin khác hoàn toàn chỉ là suy đoán và cũng là những cáo buộc khá nghiêm trọng mà không có bằng chứng. Nếu việc “mua giải” với Michelin trở nên dễ dàng hoặc phổ biến như vậy thì cuốn Cẩm nang này và những ngôi sao của họ sẽ không có được giá trị như vậy trên toàn thế giới. Chúng ta đang nói về một tổ chức có lịch sử hàng trăm năm tuổi.
Nếu có bằng chứng rõ ràng, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến các trang báo uy tín thế giới như The New York Times (Mỹ) hoặc Le Monde (Pháp), những đơn vị sẽ sẵn sàng đưa tin về một vụ bê bối nghiêm trọng như vậy. Bản thân chúng tôi cũng sẽ rất hứng thú đưa tin này 🙂
Hãy cho Michelin thêm một vài năm
Một điều tôi muốn nói với những người chỉ trích kết quả lần này là hãy cho đội ngũ Michelin thêm một vài năm trước khi bạn đưa ra quan điểm cuối cùng. Sẽ cần có thời gian để họ xây dựng nên một danh sách tổng thể hợp lý.
Phạm vi những gì họ đang nhắm đến cũng tham vọng hơn nhiều so với một bảng xếp hạng uy tín khác “50 Nhà hàng tốt nhất thế giới”, nơi chỉ tập trung vào phân khúc ẩm thực cao cấp fine dining. Những nhà thẩm định kì này có lẽ cũng còn khá mới đối với bối cảnh địa phương và việc tạo nên được một danh sách ưng ý là một quá trình. Đơn cử như ở Thái Lan, phiên bản Michelin gần đây nhất có tận 29 nhà hàng 1 sao và 6 nhà hàng 2 sao, trong khi ở ấn bản đầu tiên năm 2007 chỉ có 17 nhà hàng có sao.
Vậy nghĩa là mọi thứ đều hoàn hảo? Rõ ràng là không. Cá nhân tôi, cũng như nhiều người khác, cũng đã khá thất vọng trước nhiều lựa chọn của Michelin.
Sự đa dạng của ẩm thực Việt
Trong 29 nhà hàng được đưa vào danh mục “Bib Gourmand” (địa điểm đáng thử với giá cả phải chăng), có đến tận 12 quán phở – 4 ở Hà Nội và 8 ở TP. Hồ Chí Minh.
Với cá nhân tôi, một trong những điều cuốn hút nhất ở ẩm thực Việt Nam chính là sự đa dạng không ngờ. Những miền đất với khí hậu khác nhau cũng như sự tương phản giữa biển và núi đã sản sinh ra rất nhiều món ăn đặc sắc, đó là chưa nói tới các món đặc sản của nhiều dân tộc thiểu số.
Hạng mục Bib Gourmand này lẽ ra đã có thể là một danh sách gồm rất nhiều món Việt tuyệt vời khác nhau với mức giá phải chăng cả đối với người dân trong nước, và có quá nhiều nhà hàng, quán xá ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xứng đáng được đưa vào đây. Do có quá nhiều lựa chọn tiềm năng như vậy, tôi đã hi vọng là Michelin sẽ sử dụng hạng mục này để phần nào kể nên được một câu chuyện thú vị về bức tranh ẩm thực Việt Nam đa dạng đầy màu sắc.
Rất nhiều món ăn đường phố khác nhau có ở khắp mọi ngõ ngách của 2 thành phố lớn nhất Việt Nam này có vẻ như là những sự lựa chọn hiển nhiên. Vậy mà với tận 12 quán phở cùng nhiều địa điểm “khó hiểu” khác, tôi cảm thấy ở hạng mục này Michelin Guide kì này đã khá thất bại.
Bao nhiêu nguồn lực đã được phân bổ để lập nên danh sách này?
Đây có lẽ là dấu hỏi chính. Theo số liệu ước tính, Việt Nam có tới hơn nửa triệu nhà hàng trên cả nước. Mặc dù tôi chưa có dữ liệu chính xác của riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng chúng ta có thể dễ dàng đồng tình rằng bức tranh ẩm thực ở cả hai thành phố này là rất rộng. Để xây dựng được một cuốn Cẩm nang tổng thể chỉ riêng cho 2 nơi này thôi thì các thẩm định viên của Michelin cũng cần phải tới hàng nghìn địa điểm, nhất là ở ấn bản đầu tiên, khi mà họ không thể dựa vào kinh nghiệm thu thập được từ các năm trước đó.
Không chỉ có vậy, thành phần của đội thẩm định viên cũng là một yếu tố quan trọng để tạo ra khác biệt.
Michelin đã cử bao nhiêu thẩm định viên tới Việt Nam? Chỉ 2-3 người hay một tá?
Đây là một thông tin mấu chốt để ta hiểu được phạm vi bao phủ của Michelin. Thắc mắc này của rất nhiều người là hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt là khi ta thấy 1 trong 4 nhà hàng một sao ở Việt Nam kì này là một nhà hàng Nhật Bản (Hibana by Koki), tuy nhiên không một nhà hàng Nhật Bản nào khác vào được danh sách Bib Gourmand.
Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện có tới hơn 2500 nhà hàng Nhật tại Việt Nam, trong đó đa phần ở Hà Nội và TP.HCM. Bao nhiêu trong số các nơi này đã được các thẩm định viên ghé thăm?
Ta cũng có thể hỏi câu tương tự cho quyết định trao Bib Gourmand cho nhà hàng Trung Quốc Dim Tu Tac (TP.HCM). Michelin đã tới bao nhiêu địa điểm khác để so sánh trước khi đưa ra quyết định này? Họ đã dành bao nhiêu thời gian ở Chợ Lớn trước khi lựa chọn Dim Tu Tac để đại diện cho ẩm thực Trung Hoa với giá cả phải chăng tại Việt Nam?
Đây không chỉ là những câu hỏi tu từ. Năm 2004, Pascal Remy – một thẩm định viên của Michelin trong suốt 16 năm – đã tạo ra xì-căng-đan khi tiết lộ rằng Michelin chỉ thuê duy nhất 5 người ở Pháp để đánh giá hơn 10.000 nhà hàng. Không chỉ có vậy, một số cơ sở được trao tặng sao cũng không hề được ghé thăm hàng năm để thẩm định lại. Tuy tiết lộ này là từ gần 10 năm trước, nhưng cho tới nay, số lượng thẩm định viên vẫn là một thông tin được Michelin giữ bí mật.
Những đầu bếp Pháp ở đâu kì này?
Cẩm nang Michelin trong lịch sử đã bị chỉ trích là thiên về chủ nghĩa tinh hoa và “quá Pháp”. Điều này có thể là lý do tại sao các thẩm định viên lại miễn cưỡng trong việc trao sao cho những nhà hàng sang trọng kiểu Pháp nổi tiếng ở Hà Nội và TPHCM.
Khả năng cao là họ đã quá quen với những nhà hàng kiểu này, và ẩm thực Pháp không phải là trọng tâm của họ khi lần đầu tiếp cận Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà hàng cao cấp kiểu Pháp là một phần khá quan trọng trong bức tranh ẩm thực tại Việt Nam. Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào năm 1986 với chính sách Đổi mới, người Pháp là một trong số những người phương Tây đầu tiên quay trở lại Việt Nam kinh doanh, đặc biệt là ở ngành khách sạn – dịch vụ.
Những địa điểm nổi tiếng lâu đời, luôn được đánh giá cao như La Badiane (Hà Nội), La Villa, Les Trois Gourmands hay Le Corto (TPHCM), vv… đã là những đơn vị tiên phong cho phong cách ẩm thực cao cấp “fine dining” tại Việt Nam.
Tôi cũng không rõ những nơi này đã có thiếu sót gì trong con mắt của các thẩm định viên Michelin, nhưng tôi tin rằng nếu bất kì nơi nào trong số họ đạt được sao thì cũng là điều xứng đáng.
Chính xác thì Michelin đang cố gắng làm gì?
Câu hỏi này tưởng chừng có vẻ như không quan trọng lắm, nhưng chúng ta cần phải xem xét nguồn gốc của cuốn Cẩm nang này.
Khi nó được tạo ra vào năm 1900, Michelin Guide chủ yếu đóng vai trò như một công cụ tiếp thị cho công ty mẹ. Thông qua việc giới thiệu những nhà hàng nổi bật, cuốn sách khuyến khích người dân lái xe nhiều hơn, từ đó sẽ phải thay nhiều lốp xe mới hơn. Hồi đó, cuốn sách cũng khuyến cáo những nơi tốt nhất để sửa chữa ôtô bên cạnh những địa điểm ăn uống hàng đầu. Về cơ bản, nó vốn là một cuốn sổ tay hữu ích mà mọi người đều có thể để trong xe của mình, nhắc nhở họ về việc mua lốp Michelin.
Theo thời gian, mục đích của Cẩm nang dần thay đổi khi hệ thống xếp hạng từ 1 đến 3 sao của họ dần trở thành hệ thống phân loại quan trọng bậc nhất đối với ẩm thực cao cấp ở Pháp và châu Âu.
Tới thế kỷ 21, Michelin Guide đã trải qua một số thay đổi sâu sắc. Nó không còn chỉ tập trung vào Pháp hoặc châu Âu, mà đã mở rộng nhanh chóng, bắt đầu bao phủ Hoa Kỳ vào năm 2006, Nhật Bản vào năm 2007, Hồng Kông và Ma Cao vào năm 2009 và rồi nhiều quốc gia khác, bây giờ là tới Việt Nam.
Để phản hồi lại những cáo buộc “hợm hĩnh” và thiên vị quá mức đối với ẩm thực Pháp, Michelin bắt đầu trao sao cho các nhà hàng không hoàn toàn nằm trong danh mục cao cấp.
Những ví dụ nổi bật có thể kể tới là ở Singapore và Thái Lan, nơi một số quán ăn đường phố đã được trao sao Michelin, nhằm tôn vinh những văn hóa ẩm thực địa phương quan trọng và có khả năng bị lu mờ bởi quá trình hiện đại hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Tôi có cảm giác rằng quyết định trao tặng một sao cho nhà hàng Tầm Vị ở Hà Nội trong ấn bản đầu tiên của Michelin Việt Nam cũng là từ một luồng suy nghĩ tương tự. Tầm Vị có những món ăn Việt (đặc biệt là món Bắc) truyền thống theo phong cách “cơm nhà”, ngon và giá cả tương đối phải chăng, tuy nhiên họ cũng không có tham vọng tạo ra đột phá hay cung cấp một trải nghiệm ẩm thực khác lạ nổi bật nào.
Khi Michelin quyết định trao tặng sao cho các nhà hàng chuyên về ẩm thực truyền thống bình dị hoặc những món ăn đường phố mang tính biểu tượng, điều đó vô hình lại làm lu mờ ranh giới giữa các hạng mục do chính họ đặt ra. Michelin đã tuyên bố rằng hình thức trình bày, chất lượng dịch vụ hoặc các yếu tố trịnh trọng bên lề khác không phải là tiêu chí đánh giá, chỉ có đồ ăn là cơ sở quyết định.
Tuy nhiên, nếu một nhà hàng thậm chí cũng không cần phải có những món ăn thực sự đặc biệt, độc đáo, sáng tạo hoặc mang dấu ấn cá nhân của người đầu bếp để nhận được sao, thì nó tạo ra một sự không nhất quán trong cách xếp hạng của Michelin.
Về tổng thể bản chất, Cẩm nang Michelin vẫn là một bảng xếp hạng. Nhà hàng hai sao sẽ được kỳ vọng mang lại trải nghiệm độc đáo hơn nhà hàng một sao, và một sao đương nhiên cũng phải đặc biệt hơn là không có sao.
Bởi vậy đã có những cuộc thảo luận thú vị trên mạng xã hội giữa những người đam mê ẩm thực, là nếu như Tầm Vị đạt được một sao, thì những trải nghiệm khác lạ, cao cấp hơn ở Gia và Anan Saigon – hai nhà hàng Việt cùng đạt một sao Michelin khác – có xứng đáng không, hay ngược lại lẽ ra họ phải nhận được nhiều sao hơn?
Tương tự, chúng ta cũng có thể so sánh những nơi kể trên với các nhà hàng có sao Michelin khác tại châu Âu chẳng hạn. Việc Michelin đưa các nhà hàng có tham vọng và hướng đi hoàn toàn khác nhau vào cùng một hệ thống xếp hạng như thế này chính là một nguyên nhân gây ra những lời chỉ trích.
Hạng mục Bib Gourmand cũng hứng chịu những phản hồi tiêu cực tương tự. Ban đầu, trước năm 1997, Cẩm nang Michelin đơn giản chỉ gắn mỗi ký hiệu “R” màu đỏ trước tên nhà hàng để khách hàng biết rằng nơi đó có món ăn ngon với giá cả hợp lý. Nói cách khác, đó chỉ là một đề cập bổ sung trong danh sách chứ không phải là giải thưởng.
Tuy nhiên ngày nay, ví dụ như ở ấn bản Việt Nam kì này, Bib Gourmand lại trở thành một hạng mục giải thưởng khá được săn đón, trong khi nói thẳng ra thì nó có thể được trao cho hàng trăm, thậm chi hàng nghìn nhà hàng trong nước khác mà các thẩm định viên có lẽ chưa có dịp ghé. Bởi vậy đương nhiên nó đã tạo ra sự thất vọng đối với rất nhiều người.
Như đã nhắc tới ở trên, Michelin lẽ ra đã có thể sử dụng hạng mục này để vẽ lên một bức tranh tổng thể hơn, hoặc chú trọng hơn tới những khía cạnh khác mà thế giới chưa biết về ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên đây là điều họ đã chưa làm được.
Đáng thất vọng hơn, Cẩm nang Michelin Việt Nam 2023 không có bất kì nhà hàng “Ngôi sao xanh” nào – danh hiệu dành cho những địa điểm đi đầu trong phát triển bền vững.
Michelin đã bắt đầu giới thiệu giải thưởng “Ngôi sao xanh” trên thế giới từ năm 2020. Với những thách thức mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt, các chủ nhà hàng có ý thức bảo vệ môi trường rất xứng đáng nhận được sự công nhận. Việc không có Ngôi sao xanh nào được trao trong phiên bản đầu tiên này thực sự là một thiếu sót.
Tuy nhiên xét cho cùng, tôi vẫn tin rằng sự xuất hiện của Michelin sẽ có tác động tích cực đến bối cảnh ẩm thực Việt Nam nói chung, dù không tránh khỏi những sai sót. Tôi thực sự hứng thú chờ xem cuốn Cẩm nang này sẽ thay đổi và phát triển như thế nào trong tương lai!
Xem thêm:
Michelin Việt Nam 2024 – Những gì được và chưa được?
Tất cả những gì cần biết về Cẩm nang Michelin