Hành trình nào cũng phải có điểm khởi đầu, chỉ cần chúng ta không ngại bước những bước đi đầu tiên và không ngừng học hỏi.
Điều đó hoàn toàn đúng với rượu vang, tuy nhiên sự đa dạng phong phú của thế giới này có thể khiến những người mới bắt đầu cảm thấy choáng ngợp. Chính vì thế, những hướng dẫn và bí quyết từ chuyên gia sẽ là vô cùng quý giá, bởi chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm không chỉ thời gian mà cả tiền bạc.
Với suy nghĩ ấy, chúng tôi đã gặp gỡ Trần Trọng Hải Hà – một sommelier xuất sắc người Việt từng đoạt nhiều giải thưởng và được đào tạo tại Pháp – để nghe anh chia sẻ những điều “nên” và “không nên” với những người mới bắt đầu.
Không chỉ có vậy, đây cũng sẽ là lúc chúng ta cùng nhau “giải mã” những hiểu lầm phổ biến về vang.
Xem thêm: Nghệ thuật kết hợp rượu vang và món Việt: Lời khuyên từ một chuyên gia
1. Đừng ngại ngùng
Tại bar rượu vang của mình – Bouchon Wine & Champagne Corner, anh Hà và vợ thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo (workshop) dành cho người yêu vang tại Hà Nội.
Rượu vang vốn không phải là một phần của ẩm thực truyền thống Việt, mà được xem là một thức uống sang trọng du nhập từ phương Tây. Vì vậy, nhiều vị khách tham gia workshop của anh không tránh khỏi tâm lý ngại ngùng, lo lắng là mình đang uống “sai cách”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hà muốn giúp mọi người xóa tan những nỗi lo này:
“Chúng ta cần hiểu rằng rượu vang cũng chỉ là một thứ đồ uống, và không phải loại vang nào cũng phức tạp và khó thưởng thức. Điều đó càng đúng khi ta bắt đầu từ những chai có giá phải chăng.”
Câu nói ấy làm Loic của Ẩm Thực Hiện Đại chúng tôi nhớ lại thời trẻ của mình tại Pháp. Cũng giống như đại bộ phận thanh niên tại Pháp cũng như châu Âu nói chung — những quốc gia mà nhiều người Việt lầm tưởng ở đó ai cũng là “chuyên gia rượu vang”, Loic bắt đầu biết đến vang từ những loại rất rẻ và chẳng hề suy nghĩ quá nhiều, miễn là “uống được”.
Vang là một thức uống hàng ngày
Đây là một thực tế phổ biến ở nhiều quốc gia châu Âu có truyền thống vang lâu đời – những nơi ta gọi là “Thế giới cũ” như Pháp, Ý, Tây Ban Nha…
Không chỉ uống hàng ngày, rất nhiều người dân tại đây còn uống vang theo đủ kiểu, trong đó có những kiểu chắc chắn sẽ khiến các tín đồ mê vang phải nhăn mặt. Chẳng hạn Kalimotxo (Calimocho) – một thức uống hết sức phổ biến với giới sinh viên Tây Ban Nha – là sự pha trộn 50/50 giữa Coca-Cola và vang đỏ!
Vì thế, bạn đừng lo lắng gì cả về việc “uống sai cách” đặc biệt là khi đứng trước một người Pháp hoặc người Tây Ban Nha — bản thân họ có thể đã từng uống vang theo những cách còn tệ hơn bạn nhiều 😀
2. Hỏi thật nhiều và đừng sợ hỏi sai
Không ngại ngùng lo lắng cũng đồng nghĩa với việc “Đừng ngại hỏi bất kì điều gì, ngay cả khi bạn cảm thấy điều đó nghe có vẻ ngớ ngẩn”.
Đây là một ý quan trọng mà anh Hà đã nhấn mạnh nhiều lần trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Anh bổ sung: “Bạn đừng đánh giá quá cao kiến thức của những người xung quanh, ngay cả khi họ có vẻ rất thành thạo trong việc thưởng thức vang”.
Chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm này — Bản thân chúng tôi từng gặp rất nhiều người Pháp tuy đã uống rượu vang cả đời nhưng cũng không hề biết một số kiến thức cơ bản về những dòng vang nổi tiếng nhất của Pháp.
Xem thêm: Kiến thức vang cơ bản – Vì sao vang Bordeaux nổi tiếng đến vậy?
3. Không cần đầu tư quá nhiều khi mới bắt đầu
Ngân sách là một trong những mối bận tâm lớn nhất đối với những người đang có ý định tìm hiểu về vang, đặc biệt là tại Việt Nam bởi mức thuế rất cao. Tuy nhiên theo anh Hà, đây không phải là một rào cản quá khó để vượt qua:
“Bạn hoàn toàn có thể mua được những chai vang khá ổn ở Việt Nam chỉ ở mức khoảng 200.000đ, với nhiều lựa chọn đa dạng đủ để bạn bắt đầu,” anh nói.
Hải Hà cũng khuyên mọi người không nên vội vàng mua những chai vang “xuất sắc” quá sớm. Thực tế có một số người làm vậy chỉ để khoa trương, ngoài ra thì rất khó để có thể hiểu và cảm nhận được cái gì đã làm nên sự đặc biệt của những chai rượu đó khi bạn chưa có đủ kinh nghiệm.
Cảm nhận về Romanée Conti?
Về điểm này, Hải Hà cũng chia sẻ với chúng tôi trải nghiệm của chính cá nhân anh ngày trước, khi nếm thử một trong những dòng vang danh giá và đắt đỏ nhất thế giới – Romanée Conti (vang đỏ Pinot Noir đến từ Burgundy, Pháp) – trong những ngày đầu nghiên cứu về vang.
Phản ứng của anh khi nhấp ngụm đầu tiên là “Tôi chả hiểu gì cả!”. Ly vang đó đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với anh – rõ ràng là nó thực sự rất đặc biệt, nhưng khi đó anh chưa có đủ kinh nghiệm cũng như cơ sở so sánh để hiểu được điều gì thực sự làm nên sự khác biệt và giá thành của nó.
“Tôi lúc đó vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình học về rượu vang, và các loại Pinot Noir từ Burgundy vẫn còn rất mới mẻ với tôi. Tôi đã chưa có đủ những kiến thức cần thiết”, anh nhớ lại.
Xem thêm: 50+ quán có Happy Hour tốt nhất tại Hà Nội (sắp xếp theo quận)
4. Muốn biết thì phải học
Mặc dù việc “giải mã” những lầm tưởng về vang nói trên là quan trọng, nhưng Hải Hà không muốn mọi người lại nghĩ rằng “rượu vang là thứ đơn giản”.
“Trên thế giới có tới hơn 10.000 giống nho có thể làm ra vang. Với nhiều loại rượu khác, chỉ cần đọc tên trên nhãn chai là bạn có thể biết mình sẽ uống gì, nhưng với vang thì chưa chắc”, anh nói.
“Ngay cả từ cùng một nơi sản xuất thì vang vẫn có thể có nhiều thay đổi tùy theo niên vụ. Ngay cả với những chai sản xuất trong cùng một năm, thời điểm bạn mở nó sau đó bao lâu cũng sẽ tạo ra khác biệt về hương vị”.
Chỉ uống thôi là chưa đủ!
Anh Hà cũng nhấn mạnh: “Việc uống thường xuyên cũng chỉ có thể đưa bạn đến một trình độ nhất định. Không có con đường tắt — nếu muốn thực sự hiểu về vang thì đến một lúc nào đó bạn vẫn sẽ phải học, và chú ý đến từng chi tiết cấu thành nên vang”.
“Rất nhiều người tuy đã uống vang cả đời, mà không nhận ra rằng mình đã đạt đến ngưỡng hiểu biết hiện tại từ rất lâu rồi”.
Điều tuyệt vời là việc nghiên cứu về vang chắc chắn sẽ mở ra cho bạn vô số trải nghiệm và kiến thức thú vị. Bởi không chỉ là một thức uống, vang còn bao hàm cả lịch sử, truyền thống, văn hóa ẩm thực và rất nhiều khía cạnh khác.
5. Đầu tiên phải hiểu về giống nho
Nói thì như vậy, nhưng trên thực tế lượng kiến thức mà một người mới bắt đầu cần phải lĩnh hội về vang có thể khiến họ choáng ngợp.
Điều đó là không thể phủ nhận, nhưng theo anh Hà, bạn có thể hạn chế được cảm giác ấy bằng cách bắt đầu đúng điểm xuất phát.
Với anh, mấu chốt đầu tiên chính là phải nắm được các giống nho: “Cũng như những viên gạch xây nên một ngôi nhà, giống nho chính là nền tảng của hương vị và kết cấu mà bạn sẽ cảm nhận được trong mỗi chai vang”.
Điều này đặc biệt quan trọng, vì rất nhiều người mới bắt đầu lại mắc một sai lầm là tập trung quá mức vào vùng đất hoặc nhà sản xuất.
XEM THÊM:
- 11 giống nho vang trắng nổi tiếng nhất bạn cần biết
- 13 giống nho vang đỏ nổi tiếng nhất bạn cần biết
6. Năm câu hỏi quan trọng
Bước tiếp theo, hãy đặt ra cho mình năm câu hỏi “4W1H”:
- WHAT (Cái gì): Các thành phần nào đã được sử dụng để làm nên chai vang này? Đó có thể là một hoặc nhiều giống nho, vì có những loại vang là sự pha trộn của nhiều giống nho khác nhau.
- WHERE (Ở đâu): Vườn nho này nằm ở đâu trên thế giới? Ở độ cao nào, trong khí hậu như thế nào, và quan trọng là trên loại đất nào? Tất cả những yếu tố này đều góp phần tạo nên “terroir” – yếu tố mấu chốt thứ hai bên cạnh giống nho, cấu thành nên nền tảng và đặc tính của vang.
- WHO (Ai): Những người nào đứng sau chai vang này? Nó được sản xuất bởi một nhà sản xuất trẻ tuổi và đầy đam mê, bởi chủ một “château” nổi tiếng với lịch sử lâu đời, hay một công ty lớn sở hữu rất nhiều vườn nho trên nhiều khu vực? Đây chính là một khía cạnh khác tạo nên bản sắc của vang.
- WHEN (Khi nào): Chai vang này được sản xuất khi nào? Điều kiện thời tiết năm đó như thế nào và ảnh hưởng đến vang ra sao? Vang được ủ bằng phương thức nào và điều đó tác động thế nào đến hương vị? Những yếu tố này làm cho gần như mọi chai vang đều trở nên đặc biệt và duy nhất.
- HOW (Như thế nào): Kĩ thuật nào đã được sử dụng để sản xuất vang? Làm vang có thể coi là một nghệ thuật, và các nhà sản xuất có thể áp dụng nhiều phương pháp và công cụ để đạt được kết quả mong muốn. Ví dụ như chỉ riêng quá trình làm nên vang sủi bọt thì đã có ít nhất năm cách khác nhau!
7. Rèn luyện khứu giác mọi lúc mọi nơi
Học được lý thuyết như trên đã là tuyệt vời, nhưng làm sao để ta có thể thực hành “luyện” được chiếc mũi của mình để cảm nhận được sự thú vị của vang một cách toàn diện?
Đây chính là một trong những điều mà chúng tôi đã rất tò mò muốn hỏi trực tiếp Hải Hà, bởi anh là một người rất nổi tiếng trong giới về khả năng thử rượu “mù” (blind tasting).
Anh nói: “Tôi đã cố gắng rất nhiều để rèn luyện khứu giác của mình. Khi còn học ở Pháp, tôi đã buộc bản thân phải ngửi đủ mọi thứ xung quanh, thậm chí cả những thứ kì cục, rồi cố gắng ghi nhớ và phân loại từng mùi hương”.
Với con người thì đây vốn không phải là một điều tự nhiên, bởi khứu giác thường không được chúng ta chú ý nhiều như một số giác quan khác. Tuy nhiên theo anh Hà, bạn có thể bắt đầu từ một số cách đơn giản như:
- Khi ăn, hãy dành thời gian để ngửi thật kỹ món ăn của bạn: Bước đầu là từng thành phần riêng biệt, tiếp đến là sau khi chúng được kết hợp. Đừng bao giờ ăn một cách vô thức!
- Thường xuyên ngửi tay mình, đặc biệt là sau khi chạm vào mọi thứ như tóc, quần áo, chăn màn… bất kì thứ gì! Có thể nắm tay lại để cảm nhận mùi hương rõ hơn – bạn sẽ ngạc nhiên với lượng mùi mà tay bạn có thể lưu lại theo cách này!
Hãy cố gắng rèn luyện để biến những hành động nhỏ trên thành thói quen. Như thế, chắc chắn khứu giác của bạn sẽ trở nên tinh nhạy hơn mỗi ngày!
8. Chú ý đến nhiệt độ
Việc thưởng thức vang thường đi kèm với nhiều “quy tắc” có thể khiến những người mới bắt đầu cảm thấy áp lực— như cách chọn ly, cầm chai, rót rượu và nhiều thứ khác.
Tuy nhiên theo anh Hà, mặc dù những truyền thống này tồn tại đương nhiên phải có lý do, nhưng bạn cũng không nên tập trung quá mức vào đó.
“Nếu bạn chỉ có thể ghi nhớ duy nhất một điều trong tất cả những quy tắc liên quan đến “nghệ thuật uống vang” thì đó chính là nhiệt độ”, anh nói. “Việc uống vang ở nhiệt độ chuẩn không phải là thích thì làm hoặc không thích thì thôi – đó là điều thiết yếu, bởi nó ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị”.
Dưới đây là khoảng nhiệt độ tiêu chuẩn mà các chuyên gia khuyến cáo với từng loại vang:
- Vang đỏ: 14 đến 18°C
- Vang trắng: 10 đến 13°C
- Vang sủi: 7 đến 10°C
Hải Hà cũng nhấn mạnh một điều ta cần lưu ý với vang đỏ: Người châu Âu trước đây vẫn thường nói vang đỏ nên được phục vụ ở nhiệt độ phòng, nhưng hãy nhớ rằng khí hậu tại châu Âu mát mẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Vì vậy tại đây, bạn hãy nhớ luôn làm lạnh vang đỏ khoảng 20-30 phút trước khi uống.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC VỀ KIẾN THỨC RƯỢU VANG
- 11 giống nho vang trắng nổi tiếng nhất bạn cần biết
- 13 giống nho vang đỏ nổi tiếng nhất bạn cần biết
- Khác biệt giữa Vang đỏ, Vang trắng, Vang hồng
- Nghệ thuật kết hợp rượu vang và món Việt: Lời khuyên từ một chuyên gia
- Vì sao vang Bordeaux lại nổi tiếng đến vậy?
- Kiến thức cơ bản về vang Alsace – Pháp cho người mới bắt đầu