Là một người Pháp đam mê bia và đã từng tới Lễ hội Oktoberfest nhiều năm về trước, gần đây tôi đã có dịp quay trở lại Bavaria, đắm chìm tại một trong những nền văn hóa bia phong phú và lâu đời nhất thế giới này.
Nếu bạn chưa biết thì nước Đức như ta hiểu ngày nay mới chỉ được chính thức hình thành từ cuối thế kỉ 19. Trước đó, bang Bavaria vốn là một Vương quốc độc lập giàu có, với quyền lực chính trị và tôn giáo hết sức mạnh mẽ trong suốt nhiều thế kỉ.
Munich từng là thủ đô của Bavaria trong suốt gần bảy mươi năm, cho tới khi Bavaria được sáp nhập vào Đế quốc Đức năm 1871. Đó là lí do vì sao cho tới tận ngày nay, Bavaria vẫn là một vùng đất với bản sắc riêng rất đặc trưng, khác hẳn các vùng khác của Đức.
Chúng tôi sẽ dành những bài viết khác để nói về Bavaria nói chung cũng như Munich nói riêng, còn trọng tâm bài viết này là để tôn vinh sự đa dạng tuyệt vời của những dòng bia thuộc dạng cổ nhất thế giới đến từ vùng đất Bavaria này.
Bài viết này bắt nguồn từ những trải nghiệm của bản thân tôi. Bia Bavaria chính là khởi đầu “hành trình bia” của cá nhân tôi từ 20 năm trước. Lần này, có dịp quay lại đây và thưởng thức lại những dòng bia này, với tôi quả thực là điều hết sức đặc biệt.
Từ lager sảng khoái tươi mát cho tới Bock đậm đà hay Rauchbier đầy khói, có thể nói Bavaria có đủ lựa chọn bia ngon cho tất cả mọi người. Bên cạnh những khía cạnh văn hóa và lịch sử, có lẽ đó cũng là một phần lí do tại sao trải qua hàng trăm năm, khái niệm “Oktoberfest” vẫn mê hoặc bao du khách từ khắp nơi trên thế giới đến vậy.
1. Helles
Đây có lẽ là phong cách bia phổ biến và được ưa chuộng nhất tại Bavaria ngày nay. Là một dạng lager, Helles là “phiên bản Bavaria” của họ Pilsner rộng hơn.
Đặc trưng và hương vị
Chữ “Helles” tiếng Đức có nghĩa là nhạt hay sáng màu, nhằm chỉ màu vàng tươi và trong của bia, có được nhờ công đoạn lọc. So với Pilsner của Cộng hòa Séc thì Helles có hương vị khá khác biệt – thiên ngọt và dịu hơn, độ mạch nha cao hơn, đôi khi có một chút hương gia vị trong khi vị đắng khá thấp.
Chính nhờ điều đó mà Helles mang lại cảm giác sảng khoái và dễ uống ngay cả khi uống khối lượng lớn, đặc biệt là vào những tháng hè nóng nực tại Bavaria. Một loại bia hoàn hảo để ta hét to “Ein Mass bitte schöne!“ (“Cho tôi thêm một ly 1 lít nữa nhé!”)
Một chút lịch sử
Có thể bạn sẽ không tin, nhưng trước đây Helles không hề có được vị thế chiếm lĩnh tại Munich như vậy. Đó là một câu chuyện khá thú vị.
Phong cách bia lager ban đầu vốn được sinh ra tại Plzeň, Bohemia (nay là Cộng hòa Séc). Dạng bia nhẹ với độ giòn tươi sảng khoái này nhanh chóng trở nên thịnh hành khắp châu Âu. Tuy nhiên, các nhà làm bia Bavaria khi đó lại nhìn nó với con mắt xem thường, coi nó kém hơn so với những dòng bia tối màu có kết cấu đậm đà mà họ đã hoàn thiện qua nhiều thế kỉ.
Nhưng lager đã dần chứng tỏ được rằng nó không chỉ là một xu hướng nhất thời. Sau nhiều năm, các nhà bia ở Munich cuối cùng cũng sáng chế nên phiên bản lager của riêng họ – Helles – loại bia đã nhanh chóng vượt qua các phong cách truyền thống cũ tại Bavaria về mức độ phổ biến.
Các loại bia Helles
Tại Munich có 6 thương hiệu bia gạo cội với lịch sử lâu đời, mỗi nơi đều có phiên bản Helles của riêng mình. Bạn không thể tới Munich mà không thử ít nhất một trong những loại này, bởi chúng có mặt ở khắp nơi – từ các vườn bia cho tới quán bar, nhà hàng.
Sáu “ông lớn” (xếp theo thứ tự ngẫu nhiên):
- Löwenbräu
- Spaten
- Hofbräu
- Augustiner
- Hacker-Pschorr
- Paulaner
Sở thích của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng Helles của Angustiner là một ví dụ điển hình nên thử.
Tuy nhiên bên cạnh đó, những thương hiệu lớn này mới chỉ là một phần của trải nghiệm bia Helles tại Bavaria.
Bayerische Staatsbrauerei Weihenstephan
Bia Helles tuyệt hảo không chỉ được làm tại Munich. Ví dụ, thương hiệu Weihenstephan ở thị trấn Freising là nhà sản xuất nên một trong những dòng Helles được đánh giá cao nhất thế giới. Với lịch sử từ năm 1040, Weihenstephan còn là một trong những nhà làm bia lâu đời nhất.
Thương hiệu này có một số dòng bia nổi trội, ví dụ Weihenstephaner Original Helles là dòng từng đoạt giải thưởng uy tín.
2. Pils và Dortmunder
Những dòng bia này không bắt nguồn từ Bavaria, nhưng bởi độ thịnh hành nên các nhà bia lớn của Munich cũng đã bắt đầu sản xuất chúng.
Pils
Ở phần trên chúng tôi đã nói tới sự khác biệt về hương vị giữa Helles và Pils. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết là một số nhà bia lâu đời nhất tại Munich cũng có làm Pils, và Pils của họ rất giống Pils của Séc.
Chúng tôi đã có dịp thử một ly Augustiner Pils tại một nhà hàng ở Munich, và nó quả thực là những gì tôi mong đợi ở một ly Pils ngon.
Dortmunder Export Lager / Export Helles
Những loại bia này có nguồn gốc từ thành phố Dortmund ở vùng Bắc Rhine-Westphalia (Tây Đức), nhưng một số nhà bia ở Bavaria như Augustiner cũng đang sản xuất dòng bia “Export” của riêng họ, như dòng Edelstoff.
Những loại bia này sẽ giữ được hương vị mạch nha và vị “ngọt” của Helles, nhưng sẽ có thêm vị đắng mà bạn thường thấy ở Pils, đồng thời cũng thường mạnh hơn một chút (6 độ).
3. Weissbier – Hefeweizen
Với cá nhân tôi, đây mới chính là hạng mục mà bia Bavaria thực sự tỏa sáng. Tôi khuyên bạn dù không mê bia cũng nhất định phải thử Weissbier ít nhất một lần trong đời!
Đặc điểm và hương vị
Weissbier có những đặc điểm rất riêng, khiến chúng không thể bị nhầm lẫn với loại bia nào khác:
- Hầu hết các dòng bia quen thuộc đều được ủ bằng mạch nha lúa mạch, nhưng với Weissbier thì thành phần là 50% mạch nha lúa mì trở lên.
- “Hefe” có nghĩa là “có men”, bởi vậy đây là loại bia không trải qua công đoạn lọc và có màu đục đặc trưng. Loại men bia đặc biệt được sử dụng ở đây tạo ra các este và phenol đặc trưng của chuối và đinh hương, với một chút chua và khô cùng hương gia vị. Đặc tính “không lọc” của Weissbier thường được nhấn mạnh bằng chữ “Naturtrüb”, đối lập với dòng “Kristall” là Weissbier đã được lọc (xem thêm ở phần dưới).
- Hefeweizen có rất ít hoặc gần như không có vị đắng của hoa bia, với nồng độ cồn vừa phải.
- Trái với tên “Weissebier” có nghĩa là “bia trắng”, thực tế màu của dòng bia này không phải là trắng mà từ vàng nhạt cho đến vàng tươi.
Nếu bạn đã quen với các loại bia đắng như IPA hoặc các loại bia khô và nhẹ như Lager thì hãy thử Weissbier, đó sẽ là một trải nghiệm thực sự khác biệt.
Các dòng Weissbier nổi bật tại Munich
Đây là một trong những loại bia lâu đời nhất được làm tại Bavaria, thế nên hầu hết các nhà sản xuất bia đều có Weissbier của riêng mình.
- Trong những “ông lớn” của Munich, lựa chọn đầu tiên tôi hoàn toàn khuyến cáo bạn nên thử là Franziskaner Weissbier của Spaten-Franziskaner-Bräu.
- Hefe-Weissbier của Paulaner cũng là một lựa chọn tuyệt vời. Nó gói gọn mọi yếu tố bạn có thể mong đợi từ một ly Weissbier ngon mà cũng hết sức dễ uống.
Weissbier bên ngoài Munich (nhưng vẫn thuộc Bavaria)
Ở Bavaria không phải chỉ các ông lớn tại Munich mới có Weissbier ngon. Tôi thậm chí có thể tranh luận với bạn rằng những dòng Weissbier ngon nhất lại nằm ngoài Munich:
– Andechs: Đây chính là Hefeweizen yêu thích nhất của cá nhân tôi, đến mức chúng tôi đã dành một ngày để tới tu viện nơi sản xuất bia (cách trung tâm Munich một giờ đi tàu).
Weissbier của Andechs có màu đục, vàng sẫm với hương vị phức tạp và mượt mà đến khó tin. Bạn sẽ tìm thấy tất cả các hương vị điển hình của Hefeweizen (đinh hương, chuối, trái cây họ cam chanh), với một chút vị đắng cân bằng hoàn hảo với vị ngọt của bia.
– Weihenstephaner Hefeweissbier: được nhiều người mê bia coi là một trong những loại Hefeweissbier ngon nhất trên thế giới. Nó được sản xuất bởi nhà Weihenstephaner ở Freising – xưởng bia thuộc loại lâu đời nhất (đã được đề cập ở phần trên về bia Helles).
– Schneider Weisse: Không thể có cuộc bàn luận nào về Weissbier mà lại thiếu cái tên này. Nhà bia lịch sử này nằm ở Kelheim, chuyên sản xuất bia từ lúa mì trong suốt hàng trăm năm.
Schneider Weisse sản xuất nên Hefeweizen truyền thống rất ngon, nhưng thương hiệu này lại đặc biệt nổi tiếng với dạng Weissbier đậm đà mà chúng ta sẽ khám phá chi tiết ở phần sau.
– Erdinger: Dòng Hefeweizen cuối cùng xứng đáng được nhắc tới là Erdinger Hefeweizen. Nó được sản xuất tại thị trấn Erding và có đủ mọi yếu tố cần ở một một chai Weissbier ngon, bên cạnh một lợi thế lớn là có thể được dễ dàng tìm mua bên ngoài nước Đức.
Vì vậy, nếu bạn đang đi chơi ở bất kì đâu mà thấy Erdinger Hefeweizen trong thực đơn, thì đừng ngần ngại gọi một chai, nếu đang có hứng uống một ly bia ngon và sảng khoái nhé!
Các phiên bản Weissbier khác
– Kirstall Weissbier: Đây là một dạng Hefeweizen đã được lọc để loại bỏ men và protein lúa mì – những yếu tố tạo nên vẻ đục của bia. Điều này khiến cho bia trở nên nhẹ hơn, nhưng không tránh khỏi khiến cho một số hương vị thú vị nhất thường thấy ở Hefeweizen cũng bị giảm đi.
– Hầu hết Weissbier cũng thường được ủ theo phiên bản Dunkel (sẫm màu) và Bock (độ cồn mạnh). Chúng ta sẽ đi vào chi tiết về hai loại này ở dưới.
4. Dunkel
Từ “Dunkel” có nghĩa là “tối”. Đây vốn là dạng bia nguyên bản được sản xuất ở Bavaria trước “cuộc cách mạng” Pils / Helles.
Chúng ta có thể chia chúng thành hai loại chính với những khác biệt cơ bản:
Dunkel phiên bản Munich
Ngay cả khi Helles hiện đã trở nên hết sức phổ biến, Dunkels vẫn là nền tảng của văn hóa bia Bavaria.
- Bia được đặc trưng bởi màu nâu sẫm hoặc màu đồng (có ánh đỏ đậm khi nhìn dưới ánh sáng) do sử dụng mạch nha từ Munich (hoặc đôi khi từ Vienna).
- Dunkel của Munich khác hẳn dạng bia Stout, bởi chúng có kết cấu nhẹ và nồng độ cồn vừa phải, chỉ khoảng 4-5% ABV.
- Chúng có vị đắng từ hoa bia nhẹ, mà đặc tính mạch nha Munich mới chiếm vị trí trung tâm.
- Dunkels có hương vị mạch nha mượt mà, đậm đà với những nốt hương bánh mì, bánh mì nướng, các loại hạt hay sô cô la.
Tất cả những điều này làm cho “Munich Dunkel” trở thành một loại bia rất sảng khoái và dễ tiếp cận. Những ai vẫn nghĩ là bia sẫm màu mặc định sẽ có kết cấu nặng và nồng độ cồn cao thì phải thử dòng bia này – họ sẽ thấy chúng hoàn toàn khác!
Hầu hết tất cả các nhà bia được đề cập ở trên đều có phiên bản Dunkel của riêng mình, nên bạn sẽ không gặp khó khăn gì để tìm mua chúng. Cá nhân chúng tôi khá thích Dunkel của Augustiner – cảm nhận là hết sức sảng khoái đồng thời vẫn mang lại hương vị mạch nha đậm đà, rất dễ chịu khi uống. Tuy vậy, cũng phải thú thật là tôi chưa thử hết Dunkel của các nhà khác, nên không thể nói là phiên bản của Augustiner là xuất sắc nhất.
Dunkel Hefeweizen
Giống như các loại Weissbier khác, Dunkel Hefeweizen được làm từ ít nhất 50% mạch nha lúa mì. Điều làm cho nó khác biệt so với Weissbier thông thường là việc bổ sung mạch nha Munich (hoặc Vienna) sẫm màu hơn. Những loại mạch nha sẫm này tạo thêm vị ngọt và một số hương vị như caramel, kẹo bơ cứng, vani hoặc hạt dẻ.
Về đặc điểm hương vị, cũng không quá nếu coi Dunkelweizen là sự kết hợp giữa Hefeweizen và Munich Dunkel. Phong cách của nó thể hiện được đặc điểm của cả hai loại bia kia.
Loại bia này thực sự là một phần của bản sắc bia Munich – chỉ có điều tôi sẽ không khuyến cáo chúng nếu bạn đang tìm kiếm một loại bia nhẹ nhàng, tươi mát và sảng khoái.
– Những loại Dunkel Hefeweizen nên thử:
Hai nhà Spaten-Franziskaner-Bräu và Weihenstephaner đều có Dunkel Hefeweizen rất nổi tiếng. Nhìn vào chất lượng Weissbier của họ, tôi tin việc khuyến cáo Dunkel Hefeweizen của 2 nhà bia này sẽ không phải là một rủi ro.
Gần đây, chúng tôi cũng mới thử Hofbräu Schwarze Weisse – loại bia có thể được tìm thấy ở Việt Nam. Đây có lẽ là một cách khá dễ dàng để tiếp cận dạng bia này, nhưng so với sở thích cá nhân của tôi thì hơi thiếu độ phức tạp.
Schwarzbier
Schwarzbier có màu sẫm hơn Dunkel một bậc — đây là loại bia sẫm màu nhất trong số tất cả các loại lager của Đức (tên của nó dịch ra là “bia đen”). Bất chấp vẻ ngoài thì Schwarzbier lại rất dễ uống – độ cồn của nó chỉ khoảng 5% ABV và kết cấu nhẹ hơn Dunkel.
Đây không phải là một phong cách bia truyền thống của Bavaria, nên chúng tôi sẽ hẹn các bạn một bài viết khác để bàn chi tiết về nó.
5. Bock
Đọc tới đây thì bạn có đang nghĩ rằng Bavaria không có dạng bia nào mạnh với độ cồn cao?
Nếu vậy thì sai rồi – Ta hãy bàn về Bock nhé.
Phong cách bia mà hiện nay được gọi là Bock được tạo nên lần đầu tiên từ thế kỷ 14 ở Lower Saxony, nhưng sau đó tới thế kỷ 17 mới bắt đầu được các nhà bia tại Munich áp dụng. Bock theo truyền thống vốn gắn liền với những dịp đặc biệt, chủ yếu là các lễ hội tôn giáo như Giáng sinh hoặc Phục sinh.
Có rất nhiều dạng Bock, mỗi loại có đặc điểm riêng nhưng tựu chung là có nồng độ cồn cao.
Bock truyền thống
Là loại lager mạnh có nồng độ cồn khoảng 6-7% theo thể tích (ABV), Bock truyền thống có màu trong suốt từ đồng tới nâu, với phần trên màu trắng kem.
Nó có hương vị mạch nha nướng, đôi khi có thêm một chút caramel. Vị đắng của hoa bia thấp mang lại sự cân bằng vừa đủ bên cạnh vị ngọt tự nhiên.
Maibock
Còn được gọi là Heller Bock, Maibock là một loại lager nhạt màu, uống thì cảm giác nhẹ nhưng lại có nồng độ cồn khá mạnh, khoảng 6-8%. Hương vị khô hơn, đắng hơn so với Bock truyền thống, nhưng tổng thể điểm nhấn vẫn là vị mạch nha đậm đà.
Hofbräu có truyền thống lâu đời về sản xuất bia theo phong cách này – họ tự nhận là nhà bia đầu tiên tạo ra Maibock vào năm 1614.
Doppelbock
Doppelbock là dạng lager mạnh hơn nữa với hương vị mạch nha rõ rệt, ban đầu vốn được làm bởi các thầy tu tại Munich. Nó dao động từ 7-12% ABV với màu từ vàng đậm đến nâu.
Hương vị của nó rất đậm đà, với độ mạnh rõ nhưng uống vẫn rất êm mượt.
Dòng Salvator của Paulaner là một ví dụ điển hình về phong cách này. Các thầy tu đã bắt đầu làm loại Doppelbock này từ hơn 375 năm trước, và dân gian kể rằng đó chính là nguồn gốc tại sao nhiều loại Doppelbock ngày nay lại đều có tên kết thúc bằng chữ “-ator”.
Weizenbock
Giống như Dunkel Weissbier, Weizenbock kết hợp mạch nha Munich sẫm màu hơn với men bia lúa mì, nhưng lại có nồng độ cồn cao hơn.
Về hương vị, Weizenbock kết hợp độ mạnh của Doppelbock với đặc tính của bia lúa mì mang hương vị trái cây.
Phong cách này được Schneider Weisse sản xuất ra lần đầu tiên vào năm 1907 dưới cái tên Aventinus. Dòng Aventinus Tap 6 của họ vẫn được coi là tiêu chuẩn cho Weizenbock ngày nay.
Các lựa chọn thay thế tuyệt hảo khác là Weihenstephaner Vitus và Erdinger Weissbier Pikantus.
Eisbock
Bạn có tự hỏi tại sao bia nói chung lại không có nồng độ cồn cao hơn? Đó là bởi quá nhiều cồn trong quá trình lên men sẽ giết chết nấm men, do đó sẽ ngừng quá trình sản xuất bia.
Eisbock giải quyết vấn đề này một cách sáng tạo bằng cách đông lạnh Doppelbock một phần, sau đó loại bỏ phần nước đông để làm cô đặc hương vị và độ cồn, khiến bia có thể lên tới 8-14% ABV. Kết quả là một hương vị mạch nha hết sức đậm đà, được cân bằng bởi sự hiện diện đáng kể của độ cồn và những hương vị khác như trái cây hoặc sô cô la.
Chắc là dạng bia này sẽ không dành cho những ai yêu thích các loại bia nhẹ nhàng, sảng khoái!
Một trong những đại diện nổi tiếng nhất là Aventinus Eisbock, một phiên bản mạnh hơn của Weizen Doppelbock của nhà Schneider. Truyền thuyết kể rằng phong cách này đã được phát minh một cách tình cờ, sau khi một số chai bia Aventinus thông thường bị đóng băng trong quá trình vận chuyển vào mùa đông lạnh giá trong những năm 1930.
– Dòng bia nào mạnh nhất thế giới?
Sử dụng kỹ thuật cô đặc đá của Eisbock, nhà bia Schorschbräu ở Bavaria đã thử tạo ra loại bia mạnh nhất thế giới – Schorschbräu Schorschbock 57%. Đúng như tên gọi, loại bia thử nghiệm này đã đạt nồng độ cồn đáng kinh ngạc: 57% ABV!
Tuy nhiên, loại bia có nồng độ cồn cực cao này hiện rất khó tìm, và được hầu hết những người theo chủ nghĩa thuần túy coi là một sự rượt đuổi kỷ lục phô trương hơn là một loại bia nghiêm túc.
6. Rauchbier – “Bia khói”
Đây là một phong cách bia Bavaria hết sức đặc biệt khác.
Dạng bia này được làm bằng mạch nha được sấy khô trên ngọn lửa từ gỗ sồi, mang lại hương vị khói rõ rệt.
Khi ta nói về hương vị khói này, nó không đơn thuần chỉ là một chút xíu, mà phải nhấn mạnh là nó định hình toàn bộ hương vị của bia và thậm chí có thể nói là “hơi quá”. Có lẽ bạn có thể hình dung được rằng không phải ai cũng thích dạng bia này, và với phần lớn mọi người thì đây là một trải nghiệm cần thời gian, hay nói cách khác phải uống nhiều thì mới có thể quen được.
Một truyền thống ở Bamberg
Rauchbier là một truyền thống địa phương rất đặc trưng của thị trấn Bamberg phía Bắc Bavaria.
Nhà bia chính chuyên về Rauchbiers là Schlenkerla (Heller-Bräu Trum GmbH). Trang web của họ có giải thích rất kĩ về quy trình kỹ thuật đằng sau Rauchbier nếu bạn muốn tìm hiểu thêm.
Thực tế Rauchbier chỉ là một phương pháp cụ thể để làm khô mạch nha – sau đó ta có thể sử dụng mạch nha này để ủ các dòng bia truyền thống khác nhau.
Đơn cử thì Schlenkerla có cả các phiên bản Rauchbier của các loại bia khác như:
- Märzen
- Bock
- Doppelbock
- Weizen
- Helles
Tôi đã có cơ hội thử Schlenkerla Rauchbier hơn 15 năm trước và vẫn còn nhớ rất rõ hương vị khói nồng nàn ban đầu, sau đó một lúc thì hương vị đặc trưng của loại bia nền mới dần lộ diện. Một trải nghiệm mà những người yêu bia nên thử ít nhất một lần!
7. Oktoberfest Märzen
Khi nhắc tới loại bia này, có lẽ tất cả mọi người sẽ đều nghĩ ngay tới Oktoberfest. Điều này cũng là dễ hiểu bởi lễ hội này đã trở nên quá thịnh hành trên toàn cầu.
Trong phần này, chúng tôi sẽ chỉ tập trung nói về dạng bia này chứ không phải lễ hội – chúng tôi sẽ đề cập tới lịch sử và truyền thống của Oktoberfest trong một bài viết riêng.
Nguồn gốc của cái tên “Märzen” là bởi theo truyền thống loại bia này bắt đầu được làm từ tháng 3, rồi được ủ trong suốt những tháng hè cho tới mùa thu mới được đưa ra tiêu thụ, trong đó có cả tại Oktoberfest.
Đặc tính và hương vị
- Märzen được làm từ mạch nha Munich (đôi khi được pha trộn cả với mạch nha Vienna)
- Điều này khiến bia có màu hổ phách đậm hoặc màu đồng, và vị ngọt mạch nha rõ rệt.
- Vị đắng vừa phải của hoa bia giúp cân bằng đặc tính đậm đà của mạch nha.
- Bia có độ đậm từ vừa cho tới mạnh. với các nốt hương bánh mì, bánh quy, các loại hạt nướng và/hoặc caramel.
- Hàm lượng cồn dao động từ 5-6% ABV.
Vậy đây có phải loại bia ai cũng uống tại Oktoberfest ngày nay?
Trái ngược với suy nghĩ chung ở trên thì câu trả lời là không. Hiện tại dòng bia được phục vụ chủ yếu tại Oktoberfest lại là Festbier, một phong cách lager Đức khác. Nó đã thay thế vị trí của Märzen tại lễ hội này kể từ cuối thế kỷ 20.
Được làm tiên phong bởi Paulaner, Festbier với màu vàng tươi là loại bia rất dễ uống với nồng độ cồn thấp hơn.
Paulaner đã cho ra mắt dòng bia này lần đầu tiên tại Oktoberfest vào đầu những năm 1970. Sự phổ biến của nó với những người tham dự lễ hội ngày càng tăng. Đến những năm 1990, tất cả bia được phục vụ tại đây đều là Festbier, và Märzen hoàn toàn bị loại bỏ.
8. Radler
Rất nhiều người (có lẽ bao gồm cả tôi) sẽ tranh luận rằng Radler không phải là “bia thật”. Nhưng vì chúng hết sức phổ biến tại Bavaria (cũng như cả Đức nói chung) và thực sự là một phần của văn hóa địa phương nên chúng tôi thấy cần phải nhắc đến chúng ở đây.
Đây là dạng hỗn hợp bia với một loại soda hương chanh (ví dụ Sprite), thường được pha theo tỷ lệ 50:50.
Điều này đương nhiên có nghĩa là nó có độ cồn rất thấp, chỉ khoảng 2-3% ABV. Vì ngọt và sảng khoái, dễ uống nên Radler đã trở thành một thức uống hết sức phổ biến vào mùa hè.
Tất cả các nhà bia lớn ở Munich đều có phiên bản Radler của riêng họ, và bạn sẽ luôn thấy chúng trong thực đơn tại mọi quán bar, vườn bia và nhà hàng ở đây.
Thuật ngữ Radler bắt nguồn từ một loại đồ uống có tên Radlermass (“lít dành cho người đi xe đạp”) được phổ cập rộng rãi nhờ một chủ quán trọ có tên Franz Kugler ở thị trấn nhỏ Deisenhofen nằm ngoài Munich. Khi xe đạp bắt đầu bùng nổ vào những năm 1920, Kugler đã tạo ra một con đường dành riêng cho xe đạp từ Munich xuyên qua rừng và dẫn thẳng đến quán trọ của mình, ở đó ông bắt đầu phục vụ một món đồ uống có tên là Radler.
Nhờ Kugler mà hỗn hợp bia và nước chanh này đã trở nên phổ biến, nên mặc dù ông không phải là người phát minh ra nó, cái tên Radler vẫn được giữ nguyên cho tới ngày nay.
9. Bia thủ công tại Bavaria
Là một người rất đam mê bia thủ công, tôi đã từng có một bài viết về Top 9 địa điểm thưởng thức bia thủ công tốt nhất tại Hà Nội.
Có thể bạn sẽ tưởng rằng một vùng đất có truyền thống bia lâu đời cùng một niềm đam mê bia lớn như Munich cũng sẽ là thiên đường của bia thủ công.
Thực ra là không hẳn vậy, thậm chí có thể nói là ngược lại. Ở Đức, các nhà máy bia thủ công nhỏ chỉ chiếm 0,5% thị phần (so với 15-20% ở Mỹ và 5-8% ở Anh).
Thị trường Munich hiện bị chi phối quá nhiều bởi các loại bia truyền thống của sáu thương hiệu lớn “Big Six” mà chúng tôi đã nhắc tới ở trên: Augustiner, Hacker-Pschorr, Hofbräu, Löwenbräu, Paulaner và Spaten.
Các tập đoàn này đã phát triển thịnh vượng trong suốt nhiều thế kỷ nhờ các bộ luật có lợi giúp họ củng cố quyền lực, bắt đầu từ Luật “Độ tinh khiết bia” ban hành năm 1516.
Quy chế Oktoberfest chỉ cho phép phục vụ các loại bia được làm từ nước của chính Munich, và sáu ông lớn lại kiểm soát các giếng và hồ chứa nước đó. Các “siêu nhà máy bia” này hiện cũng sở hữu rất nhiều quán bia ở những khu vực đắc địa như các công viên lớn của thành phố.
Thêm vào đó là thực tế hầu hết người dân Bavaria đã quá quen với việc uống những nhãn hiệu quen thuộc này trong nhiều thập kỷ, cộng với ngân sách tiếp thị khổng lồ của các ông lớn này (đơn cử như Paulaner là nhà tài trợ cho đội bóng Bayern Munich). Quả thực, các nhà máy bia thủ công độc lập nhỏ tại Munich hiện phải đối mặt với khó khăn chồng chất khó khăn.
Nhưng có một thế hệ mới gồm những nhà sản xuất bia trẻ đầy nhiệt huyết, mong muốn đưa các loại bia thủ công kiểu Mỹ như IPA đến đây, cũng như tạo nên các dòng bia Bavaria truyền thống theo phong cách của riêng họ.
Trong chuyến du lịch Munich gần đây nhất vào mùa hè năm 2023, chúng tôi chưa có đủ thời gian để khám phá những nhà bia thủ công trẻ này mà mới chỉ tập trung thưởng thức các thương hiệu bia truyền thống. Nhưng tôi tin rằng, việc dõi xem bối cảnh bia thủ công sẽ phát triển thế nào trong những năm tới tại vùng đất bia huyền thoại này sẽ là điều hết sức thú vị!
Xem thêm các bải viết liên quan khác:
Alte Utting – quần thể văn hóa “độc lạ” tại Munich
Cẩm nang bia Bỉ – Lịch sử, văn hóa và những loại nổi tiếng nhất